Sắp 'xóa sổ' thương hiệu chứng khoán nghìn tỷ Kim Long

Hồ Mai - 29/06/2016 10:00
(VNF) - Công ty Cổ phần Chứng khoán Kim Long, doanh nghiệp từng lọt top 3 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường Việt Nam, sẽ thực hiện giải thể vào ngày 21/7 tới.
1
Công ty cổ phần Chứng khoán Kim Long đã thông qua quyết định và phương án giải thể công ty.

20/7/2016 sẽ là ngày giao dịch cuối cùng của Kim Long

Sau khi được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận đề nghị hủy niêm yết cổ phiếu, ngày 27/6 vừa qua, HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Kim Long (mã chứng khoán: KLS) đã công bố nghị quyết về việc hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu KLS và thanh toán tiền cho cổ đông khi giải thể doanh nghiệp.

Theo đó, ngày 20/7 tới sẽ là ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu KLS trên sàn HNX, kể từ ngày 21/07, cái tên KLS sẽ không còn trên sàn giao dịch.

Đồng thời, ngày 22/7/2016 tới đây, Chứng khoán Kim Long sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền thanh toán tiền khi doanh nghiệp giải thể.

Cổ đông KLS sẽ được nhận tiền vào 2 lần, trong đó, lần đầu sẽ nhận tạm ứng 10.000 đồng/cổ phiếu (01 cổ phiếu được nhận 10.000 đồng). Thời gian thanh toán vào 4/8/2016.

Công ty sẽ thông báo số tiền còn lại được thanh toán cho cổ đông và thời gian thanh toán dự kiến trong tháng 9/2016. Tỷ lệ thực hiện lần 2 sẽ được thông báo sau.

Đối với cán bộ công nhân viên của công ty, tính đến ngày 31/3/2016, công ty có 86 nhân viên - trong đó ban lãnh đạo có 8 người. KLS sẽ đem quỹ lương và phúc lợi của công ty chia cho các cán bộ, công nhân viên.

Theo KLS công bố, quỹ khen thưởng phúc lợi của công ty còn 20,25 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty sẽ hỗ trợ cho mỗi lao động tuân thủ theo lịch trình chấm dứt hợp đồng và sắp xếp, bố trí của công ty là 3 tháng lương.

Công ty chứng khoán "nghìn tỷ" gặp khó

Chứng khoán Kim Long được thành lập năm 2006 với vốn điều lệ 18 tỷ đồng đến nay đã tròn 10 năm, vốn điều lệ của công ty đã tăng 2.025 tỷ đồng và lọt top 3 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường.

Theo báo cáo hoạt động của công ty, kết thúc năm tài chính 2015, doanh thu của KLS đạt 170,42 tỷ đồng, giảm 60 tỷ đồng so với năm 2014. Hoạt động đầu tư chứng khoán chiếm tỷ trọng lớn nhất là 48,46% tổng doanh thu của KLS, trong khi hoạt động khác chiếm tỷ trọng 45,63% tổng doanh thu.

Lợi nhuận sau thuế năm 2015 bị âm hơn 68 tỷ đồng, chủ yếu do trích lập dự phòng giảm giá khoản đầu tư vào một số cổ phiếu dầu khí nên không đạt được kế hoạch đặt ra. Do vậy, cổ phiếu KLS đã bị đưa vào diện cảnh báo từ 3/2/2016 do lợi nhuận sau thuế năm 2015 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại 31/12/2015 âm.

Thống kê qua kịch sử giao dịch của cổ phiếu KLS trong 1 năm qua cho thấy, mức giá thị trường luôn luôn thấp hơn giá trị sổ sách và thường xuyên ở dưới mệnh giá.

Tuy nhiên, theo công bố của KLS, tính đến ngày 31/3/2016, tổng cộng tài sản bằng tiền và tương đương là hơn 2.388,9 tỷ đồng và giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu được tính bằng gần 12.500 đồng/cổ phiếu – cao hơn thị giá trên sàn hiện nay.

Giải thể để bảo toàn lợi ích cho cổ đông?

Việc giải thể KLS được cho là động thái bất ngờ và gây khá nhiều hoài nghi, vì trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều thông tin không chính thức cho rằng KLS đang tiến hành hợp nhất với một công ty chứng khoán khác. KLS còn là một trong những công ty chứng khoán có mức vốn lớn nhất trên thị trường hiện nay.

Bên cạnh đó, dư luận cũng không khỏi băn khoăn vì KLS là một thương hiệu hiệu công ty chứng khoán được thành lập sớm nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (thành lập từ năm 2006) và hiện cũng đang là một địa chỉ khá uy tín đối với nhà đầu tư, khi công ty này vẫn đang quản lý tới hơn 10.800 tài khoản của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Theo lý giải của HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Kim Long, các hoạt động kinh doanh của KLS qua các năm đã luôn duy trì được sự ổn định và an toàn, bảo vệ được nguồn lực tài chính cho Công ty. Tuy nhiên, chính vì mục tiêu bảo toàn nguồn lực mà hiệu quả kinh doanh mang lại không cao.

Trong khi đó, ban lãnh đạo KLS cho rằng, qui mô thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tương đối nhỏ; tính cạnh tranh ngày càng cao; nếu KLS muốn gia tăng thị phần trong các hoạt động nghiệp vụ thì phải chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn, có thể dẫn đến thất thoát nguồn lực và thiệt hại cho các cổ đông

Chính vì vậy, "Hội đồng quản trị Công ty đã nhất trí thông qua Phương án giải thể công ty để trình Đại hội đồng cổ đông năm 2016. Việc giải thể này theo đánh giá của Hội đồng quản trị sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho các cổ đông của Công ty trong tình hình hiện nay", KLS cho biết.

Câu chuyện KLS muốn giải thể không phải là câu chuyện mới. Năm 2011, sau khi đã hoàn tất quá trình tăng vốn lên 2.000 tỷ, KLS đã muốn rời bỏ lĩnh vực chứng khoán để chuyển hướng sang đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, do bị giới hạn bởi Luật chứng khoán, một công ty chứng khoán không thể chuyển sang đầu tư bất động sản, chỉ trừ trường hợp giải thể công ty rồi thành lập pháp nhân mới. Và KLS lại tiếp tục hoạt động đến thời điểm này, cụ thể hơn là hoạt động không mấy hiệu quả trong những năm gần đây dù sở hữu khối tài sản rất lớn.

Trong thời gian tới đây, xu hướng sát nhập, giải thể, chấm dứt tư cách thành viên của các công ty chứng khoán được dự báo tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt

Quảng cáo