M&A

Phú Mỹ Hưng âm thầm chi nghìn tỷ thâu tóm dự án ở Bắc Ninh, Đồng Nai từ cùng một đại gia

Hai dự án có diện tích lên tới hàng trăm ha tại Đồng Nai và Bắc Ninh đã được Phú Mỹ Hưng âm thầm chi nghìn tỷ thâu tóm từ năm 2016.

Phú Mỹ Hưng âm thầm chi nghìn tỷ thâu tóm dự án ở Bắc Ninh, Đồng Nai từ cùng một đại gia

Khu Thương mại Tài chính quốc tế được xem là tâm điểm của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Ảnh: Phú Mỹ Hưng.

Dự án khu đô thị Phú Mỹ Hưng do Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư với giấy phép được cấp vào tháng 5/1993. Công ty này có 70% vốn nước ngoài và 30% vốn trong nước.

Dự án đầu tư khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng là dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài đầu tiên được cấp phép vào tháng 12/1997 cho tập đoàn Central Trading & Development (CT&D) của Đài Loan, cũng là chủ đầu tư của toàn dự án Khu đô thị Nam Sài Gòn.

Về phía Việt Nam, Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) đại diện cho UBND TP.HCM góp 30% vốn qua quyền sử dụng đất, nguồn nhân lực.

Sau khi phát triển thành công Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, liên doanh CT&D và Tân Thuận đã liên tục mạnh tay chi tiền mua các dự án có diện tích rộng hàng trăm ha tại một số tỉnh thành làm quỹ đất xây dựng các dự án trong tương lai.

Tại Bắc Ninh, năm 2016, Phú Mỹ Hưng đã chi 319 tỷ đồng để mua lại gần như toàn bộ 100% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công thương - đơn vị thuộc Ngân hàng Vietinbank, chủ đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc - Xuân Lâm.

Theo thông tin trên website của Vietinbank, dự án Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm có tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật khoảng 3.000 tỷ đồng và quy mô quy hoạch lên đến 198,5ha.

Dự án Khu đô thị Hồng Hạc – Xuân Lâm nằm trong vị trí chiến lược thuộc tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Bắc Ninh, tập trung nhiều đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng.

Phối cảnh dự án Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Thời điểm trước ngày 20/5/2015, Công ty Cổ phần Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công thương có ba cổ đông sáng lập là Công đoàn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (75% vốn), Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 36 - Handico 36 (5% vốn), Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội – Hateco (25% vốn). Tuy nhiên, sau đó, cả Handico 36 và Hateco đều đã thoái vốn.

Từ ngày 20/5/2015, cơ cấu cổ đông của công ty bao gồm Công đoàn Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam nắm giữ 98,9% và cổ đông khác nắm giữ 1,1% vốn.

Đến ngày 23/3/2016, Công đoàn Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã không còn nắm giữ cổ phần nào, thay vào đó, cổ đông khác lại chiếm tới 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, đăng ký kinh doanh của công ty không thể hiện rõ cổ đông nào thâu tóm toàn bộ số cổ phần này.

Cũng tại thời điểm 23/3/2016, công ty thay người đại diện theo pháp luật mới là bà Nguyễn Mai Hoa, sinh năm 1969.

Ngày 27/4/2016, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đồng ý về chủ trương Công ty Cổ phần đầu tư Công đoàn ngân hàng Công thương chuyển nhượng cổ phần thực hiện dự án Khu đô thị Hồng Hạc - Xuân Lâm.

Đến tháng 7/2016, cơ cấu cổ đông của công ty chính thức xuất hiện nhóm công ty Phú Mỹ Hưng gồm Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (99,68%), Công ty TNHH Nam Sài Gòn Residences (0,16%) và Công ty TNHH Tân Thuận (0,16%).

Người đại diện theo pháp luật của công ty cũng được thay thế bằng ông Tseng Fan Chih, sinh năm 1967. Ông này cũng là người đại diện của Phú Mỹ Hưng và một số công ty thành viên của Phú Mỹ Hưng.

Cũng trong năm 2016, một dự án khác có quỹ đất lớn hơn đã được Phú Mỹ Hưng thâu tóm tại Nhơn Trạch, Đồng Nai là dự án Khu dân cư sinh thái và nhà vườn Sen Việt có quy mô 212ha.


Dự án Khu dân cư sinh thái và nhà vườn Sen Việt có quy mô rộng 212ha tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Năm 2009, ban lãnh đạo Vietinbank đã giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Sen Việt Công Thương làm chủ đầu tư xây dựng dự án Khu dân cư sinh thái và nhà vườn Sen Việt. Đây là một dự án tầm cỡ quốc gia và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chấp thuận đầu tư theo quyết định số 182/TTg-KTN ngày 09/02/2012.

Đầu tư Sen Việt được thành lập vào năm 2009 với sự góp vốn của 3 cổ đông là Công đoàn Ngân hàng Vietinbank, Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 36 - Handico 36, Công ty Đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội - Hateco. 3 cổ đông này cũng chính là cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công thương - chủ đầu tư dự án ở Bắc Ninh mà Phú Mỹ Hưng đã thâu tóm nói trên.

Năm 2016, Phú Mỹ Hưng và các công ty liên quan đã chi ra 598 tỷ đồng để mua lại 99,7% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Sen Việt Công thương.

Xét về vị trí, khu đất dự án Sen Việt có vị trí khá đắc địa khi nằm ở tiếp giáp giữa quận 2, TP.HCM và chỉ cách quận 1 khoảng 7 km, cách 30 km với vùng quy hoạch sân bay Long Thành.

Tin mới lên