Tài chính

Phát hiện hàng chục nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu nợ thuế, bỏ trốn

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) rà soát các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bởi hiện nay có hiện tượng hàng chục nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK) khai sinh nhưng rồi bỏ địa chỉ kinh doanh, ngừng hoạt động mà không khai báo cơ quan chức năng.

Phát hiện hàng chục nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu nợ thuế, bỏ trốn

Số doanh nghiệp khai sinh rồi khai tử trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đang tăng cao.

Theo dữ liệu mà Bộ Tài chính cung cấp từ Tổng cục Hải quan về loại hình doanh nghiệp nói trên trong 2 năm 2015 - 2016 có 49 doanh nghiệp hoạt động XNK dưới 1 năm kể từ ngày thành lập, có thông báo tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Có hơn 1.000 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh và không còn hoạt động trong thời hạn 6 tháng trở lên.

Có hơn 15.400 doanh nghiệp không có hoạt động XNK từ 6 tháng trở lên mà không thông báo với cơ quan chức năng, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong khi thông tin trên hệ thống vẫn là "đang hoạt động".

Có 24 doanh nghiệp vi phạm bị cơ quan hải quan phát hiện, ban hành quyết định ấn định thuế, yêu cầu nộp số tiền thuế. Tuy nhiên, để trốn nghĩa vụ thuế, họ từ bỏ địa chỉ kinh doanh mà không thông báo giải thể, phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động theo luật định. Đặc biệt, có 8 doanh nghiệp còn nợ hơn 12 tỷ đồng tiền thuế XNK, 180 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể khi bị cơ quan hải quan xử phạt hơn 3 tỷ đồng...

Theo Bộ Tài chính, các đối tượng thường lợi dụng phương thức thủ đoạn đứng tên hoặc thuê người đứng tên thành lập nhiều doanh nghiệp cùng tham gia hoạt động XNK, sau thời gian hoạt động, nếu thấy có nguy cơ bị phát hiện gian lận thì tạm ngừng hoạt động, chuyển sang hoạt động tại doanh nghiệp khác hoặc sử dụng đồng thời, luân phiên các doanh nghiệp hoạt động để né tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Nhiều doanh nghiệp khi bị cơ quan chức năng phát hiện vi phạm thì ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh để trốn nghĩa vụ thuế.

Chính vì thế, Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH&ĐT nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, thành lập và quản lý doanh nghiệp để khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng và gian lận về thuế XNK nói trên.

Bộ Tài chính đề nghị phối hợp cung cấp thông tin, xác minh 8 doanh nghiệp còn nợ số tiền 12 tỷ đồng nói trên trên hệ thống dữ liệu quốc gia. Đồng thời, theo dõi 24 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, ngừng hoạt động nhưng vẫn còn nợ thuế XNK, cùng nhiều doanh nghiệp đang nằm trong diện theo dõi nói trên.

Một diễn biến liên quan, Báo cáo tại phiên họp tổ tại Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, tài chính ngân sách ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện cứ 4 doanh nghiệp đăng ký mới thì 3 doanh nghiệp đóng cửa, phá sản. Do đó, nguồn thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp trong năm nay cũng bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Dũng thông báo, tính đến 30/9, tổng nợ thuế cả nước là 73.900 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu là 27.648 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,4%. Ngoài khoản nợ từ tiền phạt vi phạm hành chính và chậm nộp là 18.000 tỷ đồng, còn lại là nợ khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp giải thể, mất tích, chủ doanh nghiệp đã chết, mất năng lực hành vi, đang thi hành án hình sự, ... lên tới 28.000 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng lớn nhất là 33%.

"Đáng chú ý, theo thống kê có tới hơn 600.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang nợ đọng thuế, có những đối tượng đã nợ hơn 10 năm. Mặc dù Luật Quản lý thuế đã có những giải pháp xử lý nhưng vẫn có những bất cập như giải pháp phải có tòa tuyên bố phá sản mà thực tế doanh nghiệp chỉ tự đóng cửa, chuyển đổi mà không đăng ký ra tòa để phá sản", ông Dũng cho biết.

Tin mới lên