Ông Đặng Thanh Bình liên quan thế nào đến đại án Phạm Công Danh?

Kình Dương - 09/09/2017 08:31
(VNF) – Nguyên Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình là lãnh đạo quản lý trực tiếp hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng thời điểm từ khi bắt đầu đến khi khởi tố đại án Phạm Công Danh và đồng phạm.
1
Ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Ngày 08/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, sinh năm 1954, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự.

Được biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt tại Ngân hàng Xây dựng và một số đơn vị, tổ chức thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, ngày 08/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, sinh năm 1954, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự và áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú.

Cùng ngày, Viện KSND tối cao đã phê chuẩn các Quyết định của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt các Quyết định và Lệnh đối với bị can Đặng Thanh Bình, đồng thời khẩn trương điều tra, mở rộng vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Tháng 5/2005, ông Đặng Thanh Bình được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Năm 2015, ông Bình nghỉ hưu theo chế độ.

Theo quyết định phân công công tác của Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thời điểm đó, Phó thống đốc Đặng Thanh Bình giúp Thống đốc giải quyết các công việc được ủy nhiệm. Phụ trách công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; phòng chống rửa tiền; thông tin tín dụng; công tác pháp chế; hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động bảo hiểm tiền gửi, hoạt động của các hiệp hội trong ngành ngân hàng. Trực tiếp chỉ đạo, phụ trách các đơn vị: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Pháp chế, Trung tâm Thông tin tín dụng.

Như vậy, ông Bình là lãnh đạo quản lý trực tiếp hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng thời điểm từ khi bắt đầu đến khi khởi tố đại án Phạm Công Danh và đồng phạm.

Tháng 5/2013, Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, sau đó đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Sau khi tái cấu trúc, ngân hàng này bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đặt vào tình trạng kiểm soát. Mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên phải có ý kiến của Tổ giám sát NHNN đặt tại đây.

Dù bị đặt trong tình trạng kiểm soát nhưng trong thời gian là Chủ tịch HĐQT VNCB, Phạm Công Danh vẫn có thể lợi dụng việc nắm quyền chi phối chỉ đạo HĐQT, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và các chi nhánh VNCB thực hiện lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân; gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 9.000 tỷ đồng.

Ông Đặng Thanh Bình liên quan thế nào đến đại án Phạm Công Danh?

Dù hoạt động dưới sự giám sát của Tổ giám sát NHNN đặt tại VNCB nhưng Phạm Công Danh vẫn lập được các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng

Trong khuôn khổ đại án Phạm Công Danh, Hội đồng xét xử đã nhiều lần khẳng định, ngay từ đầu Phạm Công Danh đã không có đủ năng lực tài chính như bị cáo cam kết khi tiếp quản Trust Bank.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, hoạt động tái cấu trúc VNCB đã áp dụng một cách thức khác với các ngân hàng đã tái cơ cấu trước đó. Đơn cử, những ngân hàng trước hoặc được "gom" lại với nhau hoặc đưa một ngân hàng lớn vào để tái cấu trúc. Còn với trường hợp VNCB là đưa một người bên ngoài chưa hoạt động ngân hàng bao giờ để thực hiện cơ cấu lại ngân hàng này.

Nghĩa là, nhân sự chủ chốt tham gia tái cơ cấu VNCB vừa không có chuyên môn, lại vừa không đủ tiềm lực tài chính.

"Với những sai sót của các cá nhân xảy ra khi vẫn có một tổ thanh tra giám sát hoạt động ở đấy, thì rõ ràng có một khoảng cách giữa quy định và việc thực hiện quy định ấy", TS Vũ Đình Ánh đánh giá.

Sau một thời gian khởi tố, điều tra bị can về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với nguyên 4 cán bộ tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Ngân hàng Thương mại cổ phần xây dựng (VNCB), C46 đã kết thúc điều tra, đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" vào tháng 7 vừa qua.

4 bị can bị đề nghị truy tố gồm: Hà Tuấn Phước, nguyên Phó Giám đốc NHNN, Chi nhánh tỉnh Long An, nguyên tổ trưởng tổ giám sát VNCB; Phạm Thế Tuân, nguyên tổ phó tổ giám sát VNCB, thành viên Hội đồng thành viên VNCB cùng 2 thành viên tổ giám sát NHNN là Ngô Văn Thanh, Phó phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Long An và Lê Văn Thanh, Chánh Thanh tra NHNN, Chi nhánh Long An.

Liên quan đến việc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố ngày 8/9/2017 đối với ông Đặng Thanh Bình nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, NHNN có ý kiến chính thức như sau: NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra khi có yêu cầu theo đúng quy định của pháp luật và cần đợi kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng. Việc này không ảnh hưởng đến công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Quảng cáo