Nhân vật

Những nữ doanh nhân quyền lực nhất Việt Nam

(VNF) - Họ là những "thuyền trưởng" đã và đang chèo lái các doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để đạt được thành quả và sự ghi nhận từ cộng đồng. Nhân ngày 20/10, cùng VietnamFinance "điểm danh" 5 gương mặt tiêu biểu nhất.

Những nữ doanh nhân quyền lực nhất Việt Nam

Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo – Nữ tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc VietJet Air, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank, là gương mặt quen thuộc trong các bảng xếp hạng 50 người phụ nữ quyền lực nhất Việt Nam năm 2017, 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á năm 2017 và 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2016, đều do Forbes bầu chọn.

Tháng 3/2017, bà Nguyễn Thị Phương Thảo lần đầu được Forbes đưa vào danh sách tỷ phú tự thân với tài sản ước tính 1,7 tỷ USD; trở thành 1 trong 56 nữ tỷ phú tự thân trên thế giới. Ở thời điểm đó, bà Thảo cũng là nữ tỷ phú duy nhất của Đông Nam Á.

Cho đến thời điểm hiện tại, danh sách nữ tỷ phú ở Đông Nam Á đã có thêm bà Yupa Chiaravanond – Tập đoàn Charoen Pokhan của Thái Lan. Tuy nhiên, bà Thảo vẫn là nữ tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á. Tính đến ngày 19/10/2018, theo dữ liệu của Forbes, bà Thảo đang nắm giữ 2,8 tỷ USD.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, từng học tập tại Nga. Ít ai biết rằng nữ tỷ phú quyền lực này không chỉ tốt nghiệp 2 trường đại học với chuyên ngành tài chính, tín dụng, ngân hàng; kinh tế mà còn từng học về nghệ thuật hiện đại. Bà Thảo cũng lấy bằng tiến sĩ kinh tế vào năm 27 tuổi.

Trở về Việt Nam từ Nga, bà Thảo góp vốn thành lập Techcombank và sau đó là VIB - 2 trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Tới năm 2008, bà đầu tư vào HDBank và trở thành Phó chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng này cho tới nay.

Đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng từ những ngày sơ khai, ngoài ra còn kinh doanh bất động sản, thế nhưng nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lại được biết đến nhiều với tư cách CEO Vietjet Air.  

“Do ngành hàng không gây chú ý, nên mọi người tập trung vào nó và thấy rằng Vietjet tăng trưởng nhanh so với các hãng khác. Nhưng nếu so với những điều tôi làm từ trước đến giờ, thì sự tăng trưởng của nó đều nằm trong kế hoạch. Các doanh nghiệp khác của tôi như HDBank, trong 8 năm đã tăng trưởng gấp 15 lần, công ty tài chính tiêu dùng HD SAISON tăng 800% trong 3 năm kể từ khi tôi mua lại”, bà Thảo chia sẻ với báo giới vào tháng 10/2017.

Bà cũng cho biết sẽ tập trung cho mục tiêu kế hoạch 5 năm 2017 – 2021 đưa HDBank trở thành tập đoàn tài chính ngân hàng đa năng hàng đầu, ưu tiên phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên và hành trình xây dựng “thành tựu trọn đời”

“Tôi ấn tượng nhất là hiệu quả đầu tư của nhà nước tại Vinamilk. Giá trị vốn hóa của vốn nhà nước tại Vinamilk năm 2013 là 100 triệu USD, đến hôm nay nếu không nhầm là trên 10 tỷ USD. Chị Liên đã dẫn dắt, góp phần làm tăng giá trị vốn nhà nước tại Vinamilk lên 100 lần. Đây là một con số ấn tượng. Khi Vinamilk lên sàn vào năm 2006, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng lên gấp đôi trong một ngày. Đây là phần thưởng cho tất cả mọi người”, ông Dominic Scriven, Chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital, bày tỏ sự ngưỡng mộ với nữ doanh nhân Mai Kiều Liên.

Ngày 18/10, bà Mai Kiều Liên cũng đã nhận giải thưởng “Thành tựu trọn đời” do Forbes trao tặng, ghi nhận những đóng góp của bà cho Vinamilk nói riêng và cho ngành sữa Việt Nam nói chung.

Bà Mai Kiều Liên sinh ngày 1/9/1953, trong một gia đình trí thức Việt kiều, quê gốc ở Vị Thanh, Hậu Giang. Cha mẹ bà đều là bác sĩ, nặng lòng với quê hương nên đã chấp nhận mọi gian nan đưa cả gia đình trở về Việt Nam năm 1957.

Thuở nhỏ, bà Mai Kiều Liên học tại  trường Trưng Vương-Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp cấp III, bà sang Liên Xô học khoa chế biến sữa và thịt tại Mat-xcơ-va. 

Trở về nước, bà Mai Kiều Liên được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) năm 31 tuổi. Bà cũng là người tiên phong trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), sớm đưa Vinamilk trở thành DNNN đầu tiên cổ phần hóa với chiến lược phát triển đầy trí tuệ, kết hợp hài hòa giữa đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại song song với đào tạo nguồn nhân lực cùng mô hình điều hành, quản lý theo tiêu chuẩn cao nhất của thế giới.

Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung - người phụ nữ quyền lực bậc nhất ngành kim hoàn Việt Nam

Bà Cao Thị Ngọc Dung được mệnh danh là người phụ nữ quyền lực bậc nhất ngành kim hoàn Việt Nam. Năm 2016, bà Cao Thị Ngọc Dung được Forbes vinh danh trong top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Bà Dung sinh ngày 8/10/1957, đang nắm giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). "Chiếc ghế nóng" này đã được bà nắm giữ tròn 10 năm (từ năm 2004 đến nay).

Cùng với đó, bà còn đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo, quản lý ở những doanh nghiệp khác mà PNJ là cổ đông lớn như Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc Đông Á – chức vụ này, bà nắm giữ với “thâm niên” còn lâu hơn cả tại PNJ.

Ngoài ra, trước đấy bà còn đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Năng lượng Đại Việt… và nhiều vị trí ở những công ty khác nhau. 

Theo Công ty Định giá thương hiệu Brand Finance (Vương quốc Anh), PNJ thuộc Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2017. PNJ là doanh nghiệp kim hoàn duy nhất có mặt trong bảng xếp hạng và xếp thứ 23 trong top 50 với định giá thương hiệu đạt 98 triệu USD.

Hiện, thị phần PNJ đang bỏ xa các thương hiệu cùng ngành với hệ thống phân phối gần 300 cửa hàng ở khắp 48 tỉnh, thành trong cả nước. Trang sức PNJ cũng được xuất khẩu sang 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

PNJ là doanh nghiệp kim hoàn duy nhất có mặt trong bảng xếp hạng và xếp thứ 23 trong top 50 với định giá thương hiệu đạt 98 triệu USD, tăng 21% so với năm ngoái. Tham vọng lớn nhất của “nữ tướng”  Cao Thị Ngọc Dung là đưa PNJ trở thành một tập đoàn bán lẻ trang sức hàng đầu trong khu vực.

CEO Ngân hàng Bắc Á - Thái Hương và tham vọng thách thức những đỉnh cao trong ngành sữa

Cuối năm 2017, sau gần 10 năm gắn bó với TH Milk, bà Thái Hương  đã rời ghế chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH để đảm nhận vị trí Tổng giám đốc của Ngân hàng TMCP Bắc Á, theo quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ bà Hương, bà vẫn tiếp tục làm cố vấn cho TH True Milk trong thời gian tiếp theo.

Ngay từ khi xuất hiện vào năm 2010, TH Milk đã tấn công mạnh vào thị trường bằng dự án trang trại chăn nuôi bò sữa lớn nhất châu Á và nhà máy sữa “lớn nhất Đông Nam Á” có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD.

Cũng trong năm 2010, bà Thái Hương đã tuyên bố: “Đến năm 2015, nhà máy TH True Milk sẽ đạt doanh số 3.700 tỷ đồng và khi đó TH Milk sẽ chiếm tới 50% thị phần sữa tươi”. Tuyên bố này của bà Thái Hương đã gây sốc cho dư luận, bởi nếu đạt con số nói trên thì TH sẽ vượt qua “kẻ thống trị” trên thị trường sữa Việt Nam là Vinamilk.

Được biết, hiện nay TH Milk đang tính tới việc IPO doanh nghiệp trong vòng 3 năm tới nhằm huy động thêm vốn để đầu tư phát triển thị trường trong nước và đầu tư sang Nga. Tại quốc gia này, tập đoàn TH mới hợp tác với quỹ đầu tư RDIF của Chính phủ Nga để phát triển các dự án sữa trị giá 633 triệu USD.

Ngoài ra, TH dưới sự cố vấn của bà Thái Hương cũng đang có tham vọng tấn công ngành chế biến và xuất khẩu gỗ thông qua Công ty cổ phần Lâm Nghiệp Tháng Năm (May Forestry), có quy mô 40ha tại khu công nghiệp Nghĩa Đàn. Ước tính, Kim ngạch xuất khẩu lâm sản (gỗ và mây, tre, cói) của Việt Nam hiện nay đạt gần 8 tỷ USD.

Chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thuỷ - người phụ nữ ưa thử thách

Sau sự kiện Paris Motor Show 2018 tại Paris vừa qua, bà Lê Thị Thu Thuỷ gây chú ý bởi là người phụ nữ đại diện cho một quốc có ngành công nghiệp ô tô non trẻ đến tham dự triển lãm về ô tô nổi tiếng nhất thế giới.

Cũng tại Paris Motor show 2018, khi được hỏi về những thách thức khi tham gia lĩnh vực ô tô vốn được coi là “địa hạt” của nam giới, bà Thuỷ đã nói: “Thử thách và khó khăn trong công việc thực sự cuốn hút tôi”.

"Nữ tướng" VinFast sinh ngày 22/07/1974, quê quán Bình Định. Bà Thủy có trình độ cử nhân kinh tế của Đại học Ngoại Thương Hà Nội, thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) của Đại học Quốc tế Nhật Bản và chứng chỉ chuyên gia phân tích đầu tư tài chính (CFA).

Khi mới tốt nghiệp cử nhân, bà Thủy làm việc tại chương trình tín dụng của Ủy ban châu Âu tại Việt Nam, trong 3 năm từ 1996 đến 1998.

Trước khi đến với Vingroup, bà Thủy từng làm việc trong Lehman Brothers và dần tiến lên vị trí Phó chủ tịch công ty tại Nhật Bản, Thái Lan và Singapore. Năm 2008, bà được Chủ tịch Vingroup chiêu mộ về làm Trưởng ban đầu tư Công ty Cổ phần Vincom, sau đó lên làm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, rồi CEO năm 2012.

Năm 2013, bà Lê Thị Thu Thủy là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) bình chọn là một trong 199 “Lãnh đạo trẻ toàn cầu 2013" - Young Global Leaders (YGL) Class of 2013 về những đóng góp của mình trong điều hành.

Với danh hiệu này, bà Lê Thị Thu Thủy đã được công nhận là thành viên chính thức của Diễn đàn Lãnh đạo trẻ toàn cầu thuộc WEF.

Tin mới lên