Những đại công trình đang làm thay đổi bộ mặt TP.Hồ chí minh
Hơn 40 năm sau ngày giải phóng, TP. HCM đã có những thay đổi “chóng mặt”.
Những dự án hạ tầng quy mô đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt và cải thiện đáng kể
chất lượng sống của cư dân. Hàng loạt khu đô thị tầm vóc đã và đang hình
thành đang khoác tấm áo sang trọng và hiện đại cho thành phố. Một thành
phố Hồ Chí Minh năng động, phồn thịnh đã hiện hữu.
Sức bật hạ tầng
Một công trình quan trọng đánh dấu sự thay đổi bộ mặt của TP. HCM phải kể đến đầu tiên là đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ có chiều dài gần 22km và được đi qua địa bàn của nhiều quận huyện như quận 1, 2, 5, 6, 8, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh với tổng kinh phí xây dựng và đầu tư dự án hơn 16.000 tỷ đồng. Con đường có tổng chiều dài gần 22km, bắt đầu từ xa lộ Hà Nội (quận 2) đến quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh). Ngoài vai trò giao thông, đại lộ này còn cải tạo hàng hàng nghìn nhà ổ chuột, tạo mỹ quan đô thị và thay đổi cuộc sống cư dân.
Đáng chú ý, trong tuyến đại lộ này, hầm vượt sông Sài Gòn hay còn gọi là hầm Thủ Thiêm được đánh giá là hạng mục quan trọng nhất. Công trình này có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á với chiều dài 1,49km, rộng 33m, cao 9m gồm 6 làn xe lưu thông, mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy.

Biểu tượng giao thông mới của TP. HCM là cầu Phú Mỹ được khánh thành vào ngày 2/9/2009. Tổng mức đầu tư của công trình này là 2.077 tỷ đồng. Chiều dài toàn bộ cầu là hơn 2.100m, rộng 27,5m nối quận 2 và quận 7. Cầu Phú Mỹ là một cây cầu có quy mô đầu tư lớn, hiện đại và có ý nghĩa nhiều mặt với sự phát triển của TP.HCM. Cây cầu này có biểu tượng là chữ H nên được xem là tượng trưng cho TP.HCM. Cầu Phú Mỹ giải quyết ách tắc cho khu vực trung tâm thành phố, và là nhân tố quyết định để xây dựng hành lang lưu thông mới của trục vận tải từ miền Bắc, miền Trung đi về đồng bằng sông Cửu Long, giảm bớt áp lực lưu thông xuyên qua nội đô TP. HCM.

Tại vị trí cửa ngõ, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55km bắt đầu từ nút giao An Phú (quận 2, TP.HCM) đến nút giao Dầu Giây (QL1A, Đồng Nai) là tuyến cao tốc hiện đại nhất nước, có ý nghĩa rất lớn trong việc kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Cao tốc có vận tốc thiết kế 120km/h với 4 làn xe, chiều rộng nền đường là 27,5m, phần mặt đường rộng 2x7,5m và 2 làn đường dừng xe khẩn cấp 2x3m. Đoạn từ đường vành đai 2 (TP HCM) đến quốc lộ 51 (Đồng Nai) rút ngắn lộ trình từ TP HCM đi Vũng Tàu còn 95km với thời gian khoảng 80 phút thay vì 120km và 150 phút như trước.

Sự hình thành của tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành Đai, đường nội đô Phạm Văn Đồng nối sân bay Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài cũng là một “mốc son khác” của thành phố. Dự án đường Phạm Văn Đồng đi qua 4 quận Tân Bình - Gò Vấp - Bình Thạnh - Thủ Đức. Tuyến đường có chiều dài gần 14km, chạy dài từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1. Tuyến đường này được đánh giá là tuyến huyết mạch của TP.HCM bởi khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện kết nối trung tâm thành phố với các khu đô thị vệ tinh xung quanh và các tỉnh liền kề. Đồng thời, góp phần giảm ùn tắc cho cửa ngõ phía đông của thành phố, nhất là các tuyến đường Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh...

Ngoài ra, cầu Sài Gòn 2 đồng bộ với Xa lộ Hà Nội là trục cửa ngõ quan trọng về phía Đông - Bắc TP.HCM nối 3 quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9. Cầu Sài Gòn 2 được hoàn thành ngày 15/10/2013 với tổng kinh phí xây dựng gần 1.500 tỷ đồng. Cây cầu này được xây dựng song song với cầu Sài Gòn hiện hữu có chiều dài gần 1km. Công trình này một mặt giải tỏa áp lực cho cầu Sài Gòn cũ, mặt khác góp phần nâng cao năng lực giao thông cho cửa ngõ Đông Bắc TP.HCM.

Đặc biệt, sự thành hình của tuyến Metro số 1 Sài Gòn-Suối Tiên và quy hoạch 7 tuyến Metro khác sẽ là “cuộc cách mạng” giao thông mới cho thành phố. Với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2,9 tỷ USD, các tuyến Metro sẽ tích hợp tạo thành một mạng lưới giao thông nội đô TP. HCM và vươn dài đến Bình Dương, Đồng Nai.

Sự thành hình của tuyến Metro số 1 Sài Gòn-Suối Tiên và quy hoạch 7 tuyến Metro khác sẽ là “cuộc cách mạng” giao thông mới cho thành phố. Với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2,9 tỷ USD, các tuyến Metro sẽ tích hợp tạo thành một mạng lưới giao thông nội đô TP. HCM và vươn dài đến Bình Dương, Đồng Nai.
Hướng tới đô thị thông minh
Sự nở rộ của các công trình hạ tầng tầm vóc đã kéo theo hàng loạt quy hoạch đô thị lớn cho TP. HCM. Đầu tiên phải kể đến “dấu ấn” Phú Mỹ Hưng. Khu đô thị ra đời sớm và được phát triển đồng bộ nhất tính đến nay. Phú Mỹ Hưng (khu A rộng 409ha) đã hình thành một đô thị hiện đại và đầy đủ các chức năng: nhà ở, văn phòng, thương mại - giải trí, y tế và giáo dục. Ngày nay Phú Mỹ Hưng là cộng đồng dân cư đa sắc tộc đa dạng nhất của cả nước.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD, được phát triển bởi liên doanh Central Trading & Development (CT&D) của Đài Loan và Công ty IPC (Việt Nam) hiện tại đã trở thành trung tâm của khu Nam rộng lớn kéo theo sự phát triển của thị trường bất động sản, tạo sự cân bằng cho thành phố.

Tiếp nối Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị Thủ Thiêm được quy hoạch là khu trung tâm mới của Sài Gòn với diện tích 657ha, nơi được ví như Phố Đông của Thượng Hải. Được biết, tổng vốn đầu tư phát triển của khu đô thị hiện đại bậc nhất Việt Nam này rơi vào khoảng 25 tỷ USD.

Hiện trạng khu đô thị đã xây dựng cơ bản xong phần hạ tầng chính gồm: đường xuyên tâm Mai Chí Thọ và Nguyễn Cơ Thạch; 4 tuyến đường chính gồm đường ven sông, đường ven hồ trung tâm, đại lộ vòng cung, đường châu thổ trên cao đã cơ bản hoàn thành; hệ thống cầu Thủ Thiêm 1-2-3-4 đang được xúc tiến mạnh để triển khai trong thời gian sớm nhất.

Đây là trung tâm hiện hữu của Sài Gòn có diện tích 127ha thuộc khu quy hoạch 930ha, nơi tập trung của nhiều công trình kiến trúc và những dự án thành phần đã triển khai. Trong tương lai không xa, bờ Tây sẽ đón nhận thêm những công trình kiến trúc mới quy mô lớn hơn đang được đầu tư xây dựng.

Theo ước tính, tổng số vốn đầu tư của các dự án dọc hành lang bờ Tây vào khoảng 6 tỷ USD. Những nhà đầu tư lớn phát triển tại đây gồm: Vingroup, Sunwah Group, SSG Group, Him Lam, Vạn Thịnh Phát, Saigontourist,...

Ngoài ra phải kể đến Khu đô thị Thanh Đa Bình Quới là đảo tự nhiên lớn nhất thành phố được bao quanh bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa. Tổng diện tích 426 ha được quy hoạch trở thành đô thị phức hợp thương mại - giải trí - du lịch. Tổng vốn ước tính hơn 3 tỷ USD, nhà đầu tư của dự án là liên doanh Bitexco, Emaar Dubai.

Những khu đô thị rộng lớn, sầm uất và hiện đại tích hợp với các dự án hạ tầng đang thay đổi diện của TP. HCM và tạo sức bật, sự hứng khởi lớn đưa TP. HCM đi tới tương lai.

Bên cạnh đó, khu đô thị GS Metro City được UBND TP.HCM giao 350ha theo chương trình hoán đổi hạ tầng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Dự án có quy mô vốn ước tính hơn 3 tỷ USD. Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc).

Sự xuất hiện của những khu đô thị lớn, mở ra hướng đi mới cho quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng bài bản và thông minh hơn. Xu hướng này đang trở thành chủ đạo, phá bỏ cách làm dự án manh mún truyền thống. Những khu đô thị rộng lớn, sầm uất và hiện đại tích hợp với các dự án hạ tầng đang thay đổi diện của TP. HCM và tạo sức bật, sự hứng khởi lớn đưa TP. HCM đi tới tương lai.