Tiêu điểm

Nhà nước vẫn có tư tưởng đẩy nhiều rủi ro cho nhà đầu tư BOT

(VNF) - Tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC (FCBDM), các đại biểu đã thảo luận về việc xây dựng một cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý trong các hợp đồng BOT.

Nhà nước vẫn có tư tưởng đẩy nhiều rủi ro cho nhà đầu tư BOT

Nhà đầu tư BOT phải đối mặt với nhiều rủi ro

Giai đoạn đầu tư xây dựng, nhà đầu tư chịu hầu hết rủi ro

Sáng 20/10/2017, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC (FCBDM) đã chính thức khai mạc tại Khách sạn Palm Garden Resort, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Hội nghị hôm nay nhằm thảo luận và thống nhất một số nội dung để báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính diễn ra vào ngày 21/10/2017. Tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tổ chức tại TP. Nha Trang vào tháng 02/2017, các đại biểu tham dự đã nhất trí với 4 chủ đề sáng kiến trong Tiến trình hợp tác tài chính APEC 2017 do Việt Nam đề xuất. Trong đó có vần đề đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng.

Đại biểu tham dự FCBDM

Theo tài liệu cơ bản về Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng và cơ chế chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP, các dự án PPP ở Việt Nam chủ yếu là các giao thông đường bộ và nhà máy nhiệt điện theo hình thức hợp đồng BOT. Hầu hết các dự án áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án.

Tính đến tháng 5/2016, Bộ Giao thông vận tải đã ký 58 hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư khoảng 170.355 tỷ đồng với tổng chiều dài khoảng 1.700 Km; đã hoàn thành và đưa vào vận hành 23 dự án với tổng mức đầu tư là 69.987 tỷ đồng; 35 dự án đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư.

Hình thức hợp đồng BOT đã được áp dụng khá lâu ở Việt Nam; song xây dựng một cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý trong các hợp đồng BOT chưa được các cơ quan quản lý nhà nước thật sự được chú trọng, ngoại trừ các dự án BOT nhiệt điện; phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn có tư tưởng đẩy nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Rủi ro liên quan đến giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư là một trong những rủi ro khá phổ biến của các dự án đầu tư ở Việt Nam nói chung và dự án BOT. Theo quy định hiện hành, nếu nhà nước có mặt bằng sạch thì nhà nước sẽ giao cho nhà đầu tư; trường hợp không có mặt bằng sạch thì Nhà nước (địa phương) sẽ hỗ trợ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho nhà đầu tư, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ được tính vào tổng mức đầu tư của dự án; trong một số trường hợp, nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dự án.

Đối với các dự án BOT nhiệt điện, các địa phương khá tích cực trong tổ chức, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để giao đất sạch theo đúng cam kết với nhà đầu tư.

Riêng đối với các dự án BOT đường bộ vẫn còn hiện tượng địa phương không giao đất sạch theo đúng tiến độ cam kết trong hợp đồng BOT; điều này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và phương án tài chính của dự án BOT.

Cùng theo tài liệu tại hội nghị, Hợp đồng BOT đường bộ không có các Hợp đồng bảo lãnh các yếu tố đầu vào hay lưu lượng, doanh thu kèm theo các Hợp đồng BOT như ngành điện. Nhà đầu tư chịu hầu hết các rủi ro liên quan trong giai đoạn đầu tư xây dựng. Đồng thời, Chính phủ cam kết sẽ bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ cho nhà đầu tư, song không quy định tỷ lệ tối thiểu như các dự án BOT nhiệt điện.

Pháp luật hiện hành không quy định áp dụng cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu như một số quốc gia (Hàn Quốc) áp dụng; song trong Hợp đồng BOT có quy định khi lưu lượng giao thông thay đổi một tỷ lệ nhất định so với dự báo ban đầu hoặc khi Nhà nước ban hành quy định mới thay đổi mức phí (giá) sử dụng đường bộ thì Nhà đầu tư và Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ đàm phán lại để điều chỉnh lại thời gian Hợp đồng BOT (không áp dụng cơ chế bồi hoàn cho nhà đầu tư hoặc nhà nước bằng tiền như hình thức bảo lãnh doanh thu tối thiểu).

Xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư và các tổ chức tài chính quan tâm nhiều đến hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP; song nhà đầu tư nước ngoài cho rằng thị trường PPP ở Việt Nam chưa phát triển, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, họ đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cho phép áp dụng nhiều hình thức bảo lãnh để chia sẻ rủi ro cho các nhà đầu tư như: cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh tỷ giá hối đoái, bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ.

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017, Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương để sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến công tác đấu thầu và PPP. Nghiên cứu trình Quốc hội Luật đầu tư theo hình thức PPP.

Môi trường đầu tư còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như Việt Nam, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý giữa Nhà nước và tư nhân để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam là một đòi hỏi mà Chính phủ cần phải quan tâm và phải được nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP.

Theo đó, khu vực nhà nước chịu trách nhiệm giải quyết các rủi ro liên quan đến thay đổi chính sách, chính trị; giải phóng mặt bằng, tái định cư; thiên tai, địch họa; chuyển đổi ngoại tệ.

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ không đảm bảo được chuyển đổi 100% nhu cầu của nhà đầu tư, song nên nghiên cứu để có hướng tăng tỷ lệ bảo lãnh khoảng trên 70% nhu cầu cho nhà đầu tư.

Còn khu vực tư nhân chịu trách nhiệm giải quyết các rủi ro liên quan đến thiết kế, xây dựng, huy động nguồn vốn đầu tư; doanh thu; tỷ giá hối đoái.

>>>XEM THÊM: Trạm thu phí BOT Tam Nông - Phú Thọ từ chối giảm giá vé


Tin mới lên