Ngân hàng

'Người mua bán cuối cùng' bung 1,77 tỷ USD

(VNF) - Tổng hợp số liệu từ các giao dịch trên interbank, từ 13/7 đến 19/7, Ngân hàng Nhà nước bán ra khoảng 1,77 tỷ USD. Can thiệp sát thị trường cả về cung lẫn giá, “người mua bán cuối cùng” đang là bên nắm giữ cuộc chơi.

'Người mua bán cuối cùng' bung 1,77 tỷ USD

Ngân hàng Nhà nước "bung" tổng cộng 1,77 tỷ USD trong 5 ngày liên tiếp.

Theo trên, con số bán ra các ngày cụ thể trên interbank (liên ngân hàng) mà VietnamFinance tổng hợp được như sau: 13/7: 92 triệu USD; 16/7: 387 triệu USD, 17/7: 252 triệu USD; 18/7: 131 triệu USD và 19/7, lên tới 913 triệu USD.

Dư địa biến động thêm 1,5%?

Như vậy, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước bán ra cả một đợt 5 ngày, tổng cộng khoảng 1,775 tỷ USD, xê dịch +/- 50 triệu USD.

Phân tích về động thái của Ngân hàng Nhà nước, một chuyên gia ngoại hối cho rằng, lần này, nhà điều hành đã bám sát thị trường, không bán ở mức giá trần mà bán theo giá thị trường với mức 23.050 VND/USD kéo dài suốt nhiều ngày.

“Ngân hàng Nhà nước không bán giá trần vì không muốn kỳ vọng tỷ giá bị đẩy lên mức đó. Ngược lại, họ bán sát giá giao dịch và cung ứng đủ nhu cầu chi trả, thanh toán nợ đến hạn cho bất kỳ tổ chức nào muốn mua. Nhà điều hành muốn gửi một thông điệp rất rõ ràng đến thị trường: không thiếu USD”, vị chuyên gia này nói.

Theo phân tích của ông, tổng thể trạng thái toàn thị trường nhìn chung vẫn giữ ở mức dương nhưng không dương đến nỗi bị “tuýt còi” (trạng thái ngoại tệ vượt quá 20% so với vốn tự có – PV).

Ngoài ra, đa số đều kỳ vọng từ nay đến hết năm, tỷ giá biến động thêm từ 1% - 1,5%, cộng cả năm khoảng 3%.

Về vấn đề này, tại một hội nghị chuyên ngành tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng trước, một thành viên thị trường đã hỏi một lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) rằng: Liệu tỷ giá sẽ biến động thêm từ 1% - 2% từ nay đến hết năm hay không? Tuy nhiên, câu trả lời chỉ xoay quanh vấn đề cân đối cán cân thanh toán tổng thể, luồng tiền vào, ra…mà không trả lời rõ định mức biến động bao nhiêu.

Điều này cho thấy, có vẻ như Ngân hàng Nhà nước không muốn lượng hoá một biên độ biến động tỷ giá; thay vào đó, nhà điều hành bằng các công cụ can thiệp vừa trực tiếp, vừa gián tiếp để tạo tâm lý yên tâm cho thị trường.  

Nguồn: VietnamFinance tổng hợp từ thị trường

Yên phía Đông, động phía Tây

Xét yếu tố nội tại, có lẽ khả năng uy hiếp lên ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm gần như không đáng kể, bởi đa số các chuyên gia đều dự báo cán cân thanh toán tổng thể thặng dư cả năm lên tới 8 – 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, cũng xét từ yếu tố bên trong, đặc biệt là chênh lệch lãi suất giữa USD và VND, đang là vấn đề tồn đọng mà Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa giải quyết được, dù tồn tại đã lâu.

Hiện tại, trên thị trường liên ngân hàng, lấy ví dụ ngày 18/7, lãi suất VND với qua đêm: 1,86%, 1 tuần: 2,01%, 2 tuần: 2,17%, 1 tháng: 2,31% thì với USD, lần lượt là: 2,13% - 2,25% - 2,35% và 2,48%.

Một thành viên interbank nhận xét: giữ USD có lợi hơn là một trong những lý do để các ngân hàng vẫn muốn nắm giữ USD thay vì VND.  

Điều này lý giải vì sao, những ngày gần đây, khi có hiện tượng găm giữ trên interbank, phía doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ cũng đã “ngửi thấy mùi” và hạn chế bán ra cho các ngân hàng.

Và, một khi hiện tượng găm giữ này tiếp tục “thi gan” với Ngân hàng Nhà nước như từng xảy ra ở thời điểm 2007 – 2008, thì tỷ giá sẽ thêm phần áp lực.

Ngoài ra, một yếu tố nữa sẽ tác động sâu đến tỷ giá, chính là Trung Quốc có thể phá giá sâu thêm đồng Nhân dân tệ (CNY).

Khi CNY giảm giá, sẽ làm cho các đồng tiền quan hệ với CNY bị giảm giá theo. Với VND cũng vậy. Bởi vì tương quan tỷ giá giữa VND và CNY được xác lập ở một ngưỡng nhất định, khi CNY phá giá so với đồng tiền chủ chốt là USD thì tỷ giá cặp VND/CNY không thể đứng yên như trước.

Thực tế, vào tháng 9/2015, khi Trung Quốc phá giá đồng CNY ở mức 4,6%, đã khiến cả thị trường thế giới bị chao đảo và Việt Nam cũng bị tác động.

Tại thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước buộc tung ra tác động kép: vừa điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 1%, vừa nới biên độ giao dịch tỷ giá từ +/-1% lên +/-3%.

Tính từ đầu tháng 6/2018 đến nay, đồng CNY mất giá khoảng 4,5% so với USD. Hiện tượng này bắt đầu tác động mạnh đến một số ngành hàng may mặc, da giầy Việt Nam.

Theo phản ánh của một số nhà sản xuất thời trang quy mô nhỏ, mỗi chiếc quần, áo của Trung Quốc so với của doanh nghiệp Việt Nam bán trên thị trường rẻ hơn 20 – 30 nghìn đồng/chiếc.

Khi VND bị neo vào USD, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, hàng Trung Quốc không xuất được vào Mỹ sẽ tìm cách chày vào các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Cộng với yếu tố đồng CNY giảm giá, sẽ gây áp lực lên tỷ giá.

Một điều đáng lo nữa, trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa thể thống kê chính xác doanh số quan hệ thương mại qua tiểu ngạch mà chỉ có ước khoảng 3/5.

Khi không có số liệu chính xác, việc hoạch định kế hoạch tương tác với diễn biến thực tế là điều cực kỳ khó khăn.

Tin mới lên