Ngân hàng

Ngân hàng Quân đội và chỉ báo đáng chú ý về ‘mức độ thiện chiến’

(VNF) - Tỷ lệ chi phí lãi/thu nhập lãi của MB từ trước đã thấp bậc nhất trong hệ thống ngân hàng, nay lại tiếp tục giảm, cho thấy “mức độ thiện chiến” của MB ngày càng cao.

Ngân hàng Quân đội và chỉ báo đáng chú ý về ‘mức độ thiện chiến’

MB sở hữu nguồn tiền gửi không kỳ hạn cực kỳ dồi dào, chiếm tới 30,5% tổng tiền gửi khách hàng.

Đà tăng chậm về lợi nhuận trong nhiều năm qua của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã bị phá vỡ hoàn toàn trong 6 tháng đầu năm 2018 với lợi nhuận trước thuế lên đến 3.829 tỷ đồng, tăng tới 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, con số này còn vượt lợi nhuận cả năm 2016 và bằng 4/5 lợi nhuận cả năm 2017.

Thành quả lợi nhuận của MB đến từ nhiều mảng kinh doanh, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là chuyển biến ở mảng tín dụng – mảng kinh doanh truyền thống của MB cũng như các ngân hàng nói chung.

6 tháng đầu năm 2018, mảng này đem về cho MB 6.797 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức tăng trên là ấn tượng, tuy nhiên có một chỉ báo khác còn ấn tượng hơn nằm ở tỷ lệ chi phí lãi/thu nhập lãi.

Tỷ lệ chi phí lãi/thu nhập lãi càng thấp, đồng nghĩa biên lợi nhuận trong mảng tín dụng càng cao, nghĩa là sức cạnh tranh, hay “mức độ thiện chiến” trong mảng tín dụng của ngân hàng càng lớn. “Mức độ thiện chiến” ở đây không chỉ nói đến hiệu quả kinh doanh tín dụng, mà còn phản ánh việc ngân hàng còn nhiều dư địa để xoay xở, để cạnh tranh lãi suất, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang “siết dần” tăng trưởng tín dụng.

Tỷ lệ này ở MB trong nửa đầu năm nay ở mức 42,3%, giảm 2,2 điểm% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ chi phí lãi/thu nhập lãi của MB từ trước đã thấp bậc nhất trong hệ thống ngân hàng, nay lại tiếp tục giảm, cho thấy “mức độ thiện chiến” của MB ngày càng cao.

Xét ra, tỷ lệ này ở MB còn thấp hơn cả Techcombank (48,9%) – ngân hàng vốn nổi tiếng về mức độ tối ưu trong kinh doanh và chỉ chịu thua VPBank (38,2%). Tuy nhiên, nếu loại đi sự hậu thuẫn từ “gà đẻ trứng vàng” FE Credit, tỷ lệ chi phí lãi/thu nhập lãi của VPBank cao hơn nhiều MB.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính riêng, 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ này ở VPBank là 51,9%, trong khi ở MB chỉ là 44,3%.

Điều gì cho phép MB duy trì được tỷ lệ thấp như vậy?

Đầu tiên phải kể đến nguồn tiền gửi không kỳ hạn cực kỳ dồi dào, chiếm tới 30,5% tổng tiền gửi khách hàng (tại thời điểm hết ngày 30/6/2018), thuộc hàng cao nhất hệ thống. Nguồn tiền này có lãi suất rất thấp, cho phép MB giảm đáng kể chi phí trả lãi.

Thứ hai là việc ngân hàng này ngày càng tập trung vào cho vay cá nhân - vốn có biên lợi nhuận cao hơn. Tính đến hết quý II/2018, dư nợ cho vay cá nhân của MB chiếm 34,43% dư nợ tín dụng, tăng 1,8 điểm% so với con số đầu năm.

Có một cách rủi ro hơn có thể đẩy cao được tỷ lệ chi phí lãi/thu nhập lãi là tăng dư nợ cho vay trung và dài hạn, bởi các khoản vay này có lãi suất cao hơn do chịu nhiều rủi ro (thời gian càng dài, rủi ro càng cao). MB không làm theo cách này. Số liệu hết quý II/2018 cho thấy, dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm 49,1% dư nợ tín dụng, giảm so với mức 50,7% hồi đầu năm. Đây cũng không phải mức cao trong hệ thống ngân hàng.

Một số yếu tố khác cũng giúp giảm tỷ lệ chi phí lãi/thu nhập lãi là việc MB cấp các khoản cho vay margin cho MBS (khoảng trên 2.000 tỷ), hay tín hiệu tích cực từ mảng tài chính tiêu dùng với thương hiệu MCredit. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các yếu tố này là không quá đáng kể, bởi mức chênh tỷ lệ chi phí lãi/thu nhập lãi giữa ngân hàng hợp nhất và ngân hàng mẹ là khá ít.

Ngoài diễn biến tích cực cả về lượng và chất ở mảng tín dụng, các mảng kinh doanh khác của MB cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khá ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2018.

Cụ thể, mảng dịch vụ đem về cho MB 991 tỷ đồng lãi thuần, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái; mảng ngoại hối đem về 174 tỷ đồng lãi thuần, tăng gấp 3 lần; mảng chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và góp vốn, đầu tư dài hạn đem về 381 tỷ đồng lãi thuần, tăng gấp 3 lần; các hoạt động kinh doanh khác đem về 723 tỷ đồng lãi thuần, tăng gấp gần 2 lần.

Tin mới lên