Tài chính quốc tế

Mỹ: Thâm hụt ngân sách ‘phình to’ nhất kể từ năm 2012

(VNF) - Khép lại năm tài khóa hoàn chỉnh đầu tiên dưới sự điều hành của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngân sách Mỹ thâm hụt tới 779 tỷ USD, nhiều hơn 113 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, cũng là mức cao nhất kể từ năm 2012.

Mỹ: Thâm hụt ngân sách ‘phình to’ nhất kể từ năm 2012

Ngân sách Mỹ thâm hụt tới 779 tỷ USD trong năm tài khóa 2018.

Theo các chuyên gia, những khoản chi mới của chính phủ góp phần khiến thâm hụt ngân sách phình to liên tục trong một năm, tính tới tháng 9 vừa qua.

Nguyên nhân chính dẫn tới thâm hụt ngân sách năm nay là do chính phủ Mỹ phải chi nhiều hơn cho các khoản lãi của nợ quốc gia.

Trong năm vừa qua, nợ công của Mỹ tăng, một phần là để bù đắp cho khoản thất thu ngân sách do chính sách cắt giảm thuế được khởi xướng bởi Tổng thống Trump, bên cạnh đó chi phí quốc phòng cũng tăng.

Tháng 12 năm ngoái, dự luật cải cách thuế lớn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây ở Mỹ đã được Quốc hội nước này thông qua. Đây được xem là thắng lợi pháp lý quan trọng nhất mà ông Trump đạt được trong vòng 11 tháng sau khi nhậm chức, giúp ông hiện thực hóa được cam kết được đưa ra từ khi tranh cử.

Theo luật này, thuế doanh nghiệp của Mỹ đã được giảm mạnh từ mức 35% xuống chỉ còn 21%. Bên cạnh đó, các công ty của Mỹ cũng được khấu trừ ngay lập tức tiền thuế đối với nhiều khoản đầu tư mới.

Tuy nhiên, theo thống kê 6 tháng đầu năm 2018, tổng thuế doanh nghiệp mà chính phủ liên bang Mỹ thu được đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, đẩy thâm hụt ngân sách liên bang của nước này tiến nhanh tới mức 1.000 tỷ USD hơn so với thời điểm mà các nhà kinh tế dự báo.

Chính phủ Mỹ cho rằng việc cắt giảm thuế về lâu dài sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Mỹ, từ đó đưa đến nguồn thu lớn hơn. Tuy nhiên, theo New York Times, các con số thống kê cho thấy nguồn thu của chính phủ liên bang của Mỹ đang giảm đi đáng kể so với thời điểm trước khi thực hiện cải cách thuế.

Nền kinh tế Mỹ ước đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm chỉ ở mức 2,2% trong quý III/2019.

Thêm vào đó, Tổng thống Trump ngày 12/12/2017 đã ký đạo luật ngân sách quốc phòng 2018 khổng lồ với kỳ vọng sẽ nâng tầm sức mạnh quân đội Mỹ so với các đối thủ cạnh tranh.

Theo đó, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) sẽ cấp khoản ngân sách 700 tỷ USD trong năm tài khóa 2018 cho Lầu Năm Góc. Con số này nhiều hơn 80 tỷ USD so với năm 2017 và lớn hơn tổng giá trị ngân sách quốc phòng của 8 quốc gia xếp sau trong bảng chi tiêu quốc phòng thế giới.

NDAA mở đường cho Lầu Năm Góc tiếp tục bổ sung các khí tài tối tân như tiêm kích F-35, tàu ngầm hạt nhân, xe tăng M1 Abrams và nâng cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa, đồng thời duy trì hiện diện tại hơn 200 căn cứ quân sự ở nước ngoài, đảm bảo các hoạt động quân sự tốn kém tại các chiến trường Afghanistan, Iraq và Syria.

Quỹ phòng ngừa rủi ro lớn nhất thế giới Bridgewater mới đây đã đưa ra cảnh báo nền kinh tế Mỹ đang đối mặt hiện tượng giảm tốc trong bối cảnh chính sách tiền tệ ngày một thắt chặt bắt đầu tác động tới tăng trưởng và tạo sức ép đối với các thị trường tài chính.

Hồi tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2019, trong khi lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lại tăng lên mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây do gia tăng quan ngại xung quanh các mức tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trự Liên bang Mỹ (Fed).

Tính từ đầu năm đến nay, Fed đã tăng lãi suất tới 3 lần. Nhiều khả năng thể chế tài chính này sẽ tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất khác trước cuối năm 2019.

Theo dự báo mới nhất do Fed công bố hôm 12/10 vừa qua, nền kinh tế Mỹ ước đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm chỉ ở mức 2,2% trong quý III/2019, giảm so với mức 4,2% của quý trước đó.

Xem thêm >> Australia cân nhắc chuyển đại sứ quán ở Israel tới Jerusalem

Tin mới lên