M&A

Miniso Việt Nam chính thức về tay ông chủ Trung Quốc

Hiện Miniso Việt Nam được điều hành và quản lý trực tiếp từ đội ngũ nhân sự do Miniso Trung Quốc cử sang. Bà Dương Thanh Tâm - người đưa Miniso về Việt Nam 2 năm trước - chính thức rời khỏi vị trí CEO Miniso Việt Nam từ tháng 6/2018.

Miniso Việt Nam chính thức về tay ông chủ Trung Quốc

Miniso Việt Nam chính thức về tay ông chủ Trung Quốc

Miniso do Tập đoàn Lê Bảo Minh đưa vào Việt Nam từ tháng 9/2016 thông qua hình thức nhượng quyền. Hai bên ký hợp đồng nhượng quyền từ tháng 4/2016, sau 3 năm lên kế hoạch đưa Miniso về Việt Nam.

Hai năm qua, Miniso đã thành công trong chiến lược định vị và nhận diện thương hiệu và có tốc độ mở rộng quy mô nhanh với 40 cửa hàng trong 18 tháng kinh doanh.

Sau khi thành công nhanh chóng, Miniso đã tiến hành nhượng quyền tại Việt Nam. Tháng 10/2017, Miniso Việt Nam chính thức triển khai nhượng quyền kinh doanh và đã thu hút hơn 200 nhà đầu tư trong và nước ngoài tham dự hội thảo công bố chính sách nhượng quyền. Được biết, nhà đầu tư phải trả ít nhất 6 tỷ đồng để nhận nhượng quyền một cửa hàng Miniso Việt Nam.

Theo bà Dương Thanh Tâm, ở vai trò là nhà đầu tư khi mua nhượng quyền thương hiệu Miniso về Việt Nam, các cổ đông đã có định hướng chiến lược phát triển đến một giai đoạn nào đó sẽ cổ phần hóa hoặc bán. Sau 2 năm xây dựng và phát triển Miniso Việt Nam, cá nhân bà Tâm thấy đây là thời điểm thích hợp để bán.

Giá trị thương vụ không được tiết lộ. Cách đây vài tháng, giới giới kinh doanh bán lẻ đã đồn đoán Miniso Việt Nam bán 80% cổ phần cho công ty Miniso mẹ ở Trung Quốc.

Những động thái của Miniso cho thấy, các thương hiệu Trung Quốc có độ tinh vi như thế nào khi thâm nhập thị trường Việt Nam. Đó là ban đầu thông qua một đối tác Việt Nam làm chuyên nghiệp, lấy lòng người tiêu dùng, có hệ thống cửa hàng tại vị trí đắc địa… thì bắt đầu mua lại.

Ngay từ khi mới gia nhập thị trường, đại diện Miniso từ Trung Quốc tự tin sẽ mở 200 cửa hàng từ nay đến 2021. Đây không phải quyết định táo bạo, mà đã được nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng. Nguyên nhân do những người trong độ tuổi 18-35 tiếp cận thông tin dễ dàng, thu nhập tăng lên. Không chỉ ở thành phố lớn, người tiêu dùng trẻ tại các tỉnh cũng thích sản phẩm hợp thời trang, muốn trải nghiệm dịch vụ bán hàng tốt nhất.

Trước khi vào Việt Nam, Miniso đã gây bão dư luận về nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc hay Nhật Bản. Trong khi tất cả sản phẩm Miniso hiện nay đều được nhập từ Trung Quốc, có giá rẻ.

Đa phần người Nhật không biết đến Miniso. Hơn nữa, thương hiệu này còn dính rắc rối khi sử dụng tiếng Nhật cũng thiếu chính xác trên bao bì sản phẩm của mình.

Những điều này khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi nghi ngờ, Miniso thực chất là hàng Trung Quốc mượn danh Nhật Bản? Trước đó, khi đặt chân đến Singapore, Miniso cũng bị đặt nghi vấn tương tự.

Cũng giống Miniso, Mumuso có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng lại đội lốt Hàn Quốc và đang “vươn vòi” ra khắp châu Á, lợi dụng làn sóng Kpop lừa gạt người tiêu dùng. Và người tiêu dùng Việt Nam không phải ngoại lệ. 

Tin mới lên