M&A

M&A: Làm sao để không 'đứt gánh'?

(VNF) - Mua bán – sáp nhập (M&A)cũng tương tự như một đám cưới. Khi những ly rượu sâm panh cụng vào nhau kêu leng keng, các nhà tư vấn vỗ vai chúc mừng nhau, doanh nghiệp đều vui vẻ và những khoản tiền khổng lồ đang chảy vào túi. Nhưng sau đó, không phải tất cả đều đẹp như mơ.

M&A: Làm sao để không 'đứt gánh'?

Sự kiện Ba Huân và VinaCapital chỉ là một trong nhiều sự kiện có sự mâu thuẫn giữa quỹ đầu tư và công ty tư nhân nhận đầu tư.

Theo Nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam (M&A Vietnam Forum), trong 10 năm qua, hoạt động mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam ngày càng phát triển, trở thành một kênh dẫn dắt dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ khu vực có hiệu quả thấp sang các địa chỉ có khả năng sinh lời tốt hơn.

Tổng giá trị các thương vụ M&A từ năm 2009 đến nay đã đạt mức ấn tượng, khoảng 48,8 tỷ USD, trong đó, riêng năm 2017 giá trị M&A đạt mốc kỷ lục là 10 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,55 tỷ USD (bằng 155% cùng kỳ năm 2017).

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp ở Việt Nam đang được xem là kênh đầu tư hấp dẫn, đồng thời là yếu tố quan trọng thúc đẩy tái cấu trúc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp. Nhưng từ câu chuyện “đứt gánh giữa đường” của khoản đầu tư 32,5 triệu USD giữa Quỹ đầu tư VinaCapital và Công ty Cổ phần Ba Huân cho thấy không phải thương vụ M&A nào cũng diễn ra suôn sẻ và mang lại kết quả như mong muốn.

Lý do của cuộc chia ly

Tính đến cuối tháng 1/2018, VinaCapital đã rót vào Việt Nam khoảng 1,8 tỷ USD cho các danh mục đầu tư của mình. Thời gian gần đây, VinaCapital bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực thực phẩm, tuy nhiên đại diện quỹ thừa nhận chưa có nhiều công ty đạt đến quy mô như Ba Huân để hấp dẫn nhà đầu tư. Và sau khoản đầu tư trị giá 32,5 triệu USD, VinaCapital đã dừng đầu tư vào Ba Huân sau những lùm xùm mới đây.

Với kinh nghiệm hỗ trợ thực thi các khoản đầu tư tư nhân, nhận định về thương vụ này, ông Phan Lê Thành Long – Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam, cho rằng sự kiện Ba Huân và VinaCapital chỉ là một trong nhiều sự kiện có sự mâu thuẫn giữa quỹ đầu tư và công ty tư nhân nhận đầu tư. "Một phần là do sự thiếu hiểu biết của công ty tư nhân trong các thương vụ nhận vốn. Một phần có thể đến từ sự “cáo già” của các quỹ, cài cắm những điều khoản quá có lợi cho quỹ mà không cân bằng giữa lợi ích các bên", ông Long đánh giá.

Ngoài thương vụ giữa Ba Huân và VinaCapital, ông Long dẫn trường hợp The KAfe và cho rằng đây là thương vụ "thất bại thảm hại" cả cho người sáng lập lẫn quỹ đầu tư, khi chuỗi cửa hàng phải đóng cửa sau khi CEO sáng lập bị buộc phải dời công ty chỉ sau một năm nhận vốn do không đáp ứng được các điều kiện trong thoả thuận đầu tư.

Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn hoặc đổ vỡ trong các thương vụ có thể xuất phát từ chính phía doanh nghiệp tư nhân khi gọi vốn đầu tư đã vẽ ra một viễn cảnh quá đẹp nhằm được định giá tốt nhất, bán được cổ phần giá cao nhất. "Quỹ đầu tư căn cứ trên viễn cảnh đó để định giá và đàm phán giá cổ phần sẽ mua. Và nếu các điều khoản cam kết lợi nhuận đã được đưa vào Thoả thuận đầu tư mà sau này không thực hiện được thì đó là nguồn của mâu thuẫn", ông Long cho biết.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác có thể còn do doanh nghiệp không hiểu được các điều kiện thoả thuận, đặc biệt là điều kiện tăng tỷ lệ sở hữu của quỹ đầu tư, dẫn tới mâu thuẫn nặng do suy nghĩ quỹ đầu tư là "cá mập". "Điều kiện nếu không đạt được kết quả kinh doanh đã cam kết thì phải chuyển giao tối thiểu 51% cổ phần của Công ty cổ phần Ba Huân cho VinaCapital là một điều kiện cực kỳ quan trọng nhưng tôi dám chắc Ba Huân vì lúc đó cần vốn nên đã đánh giá thiếu thận trọng cam kết này", ông Long nhận định.

Ngoài ra, cũng có trường hợp quỹ đầu tư "cài cắm" các điều khoản có lợi: Lúc này quỹ là "cá mập". Bởi lẽ có trường hợp quỹ lợi dụng sự kém hiểu biết về tài chính của doanh nghiệp để đưa các điều khoản có lợi, thậm chí mang tính thâu tóm, cho quỹ trong Thoả thuận đầu tư. "Quỹ thường nhắm tới mục tiêu thoái vốn ngắn hạn, đánh bóng hình ảnh công ty trong ngắn hạn, nhằm thoái cho các nhà đầu tư khác hoặc quỹ đầu tư khác. Lúc này người thiệt nhất là nhà sáng lập, là cổ đông nhỏ, là nhân viên trong công ty khi công ty không vận hành theo đúng định hướng chiến lược đã đề ra", ông cho biết thêm.

Cũng không quá ngạc nhiên khi tại Diễn đàn M&A 2018 diễn ra tại TP. HCM, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam đưa ra con số trong vòng 1 thập kỷ qua, chỉ có 2/5 thương vụ M&A tại Việt Nam thành công, một tỉ lệ được cho là khá thấp. Nguyên nhân chính là do quá trình hậu M&A (sau bản cam kết hợp đồng) việc hợp tác với nhau như thế nào, mang lại giá trị gia tăng gì cho cả hai vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Một báo cáo của KPMG cũng nhấn mạnh “những vấn đề liên quan đến nhân sự và tổ chức”, như là thiếu tầm nhìn chung, phong cách lãnh đạo đối lập, văn hoá doanh nghiệp lệch pha, chảy máu nhân tài chủ chốt, các cấu trúc tổ chức lệch khớp, và yếu kém trong quản trị sự thay đổi. Nói tóm lại, phần lớn các doanh nghiệp rất hào hứng về đám cưới nhưng lại quên lên kế hoạch cho một cuộc sống chung hiệu quả.

Làm sao để cùng tăng trưởng?

“Tăng trưởng đột phá sau M&A” được chọn làm chủ đề chính trong một phiên thảo luận tại Diễn đàn M&A 2018 do Báo Đầu tư và đối tác AVM tổ chức ngày 8/8/2018. Tại đây, giá trị được chia sẻ nhiều nhất là kinh nghiệm “nhìn ra” đối tác tiềm năng, các bước tiến hành đàm phán và sau đó là quản trị chiến lược, quản trị hậu M&A để đạt được thành công.

Theo bà Nguyễn Thị Trà My, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn PAN Group, lĩnh vực nông nghiệp không phải là lĩnh vực đơn giản, nhưng PAN vẫn chọn vì đó là ngành lâu đời và có tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Chiến lược của PAN là phát triển cơ học, tận dụng nội lực của Công ty song song với M&A các công ty cùng ngành để tạo ra chuỗi khép kín. “Cách chọn lựa của chúng tôi là nhìn vào bộ máy hiện tại của công ty mục tiêu khi M&A. Đội ngũ nhân sự là yếu tố vô cùng quan trọng trong chiến lược tìm kiếm đối tác M&A của PAN”, bà My cho biết.

Trong khi đó, chia sẻ kinh nghiệm thành công của HDBank sau M&A, ông Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng HDBank nói rằng, mỗi thương vụ M&A cần nâng lên một tầng nghệ thuật hơn là một phép cộng. Nếu chúng ta cần một công ty tăng lên gấp đôi sau M&A thì cũng tốt, nhưng nếu nó tăng lên gấp 3 hay 5 lần thì tốt hơn rất nhiều. Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm M&A, ông Trung nói rằng, các doanh nghiệp nếu như đã muốn tham gia M&A hãy xác định một chiến lược đúng đắn. Bởi nếu các ông chủ, bà chủ không muốn bán mình, muốn giữ doanh nghiệp của mình thì sẽ rất khó để đi đến thương vụ M&A thành công.

Ông Rick Marchese, đại diện AM&AA Global, Tổng giám đốc Lares Loreno Private Capital chia sẻ, trong quan điểm của ông, chỉ có 3 yếu tố để M&A thành công, đó là doanh nghiệp đã sẵn sàng hay chưa (cần 1 năm chuẩn bị); tâm lý đã thông suốt ở tất cả các vấn đề chưa, tất nhiên trong đó có yếu tố tài chính; cuối cùng giá trị của thương vụ này có đạt kỳ vọng lợi nhuận mục tiêu hay không.

Tin mới lên