Ngân hàng

'Lãnh đạo ngân hàng không làm lãnh đạo doanh nghiệp sẽ hạn chế cho vay sân sau'

Một trong những quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) đang nhận được sự quan tâm đó là lãnh đạo các TCTD không được làm lãnh đạo doanh nghiệp khác trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD.

'Lãnh đạo ngân hàng không làm lãnh đạo doanh nghiệp sẽ hạn chế cho vay sân sau'

TS. Cấn Văn Lực.

Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, quy định này nhằm giảm thiểu tình trạng sở hữu chéo (SHC) trong hệ thống ngân hàng.

- Ông có thể cho biết, bản chất SHC là gì và ở Việt Nam có hình thức SHC nào?

Ông Cấn Văn Lực: Bản chất SHC về cơ bản là SHC ngành nghề khác nhau trong cùng một nền kinh tế. Ở Việt Nam, SHC thể hiện dưới 3 dạng thức: thứ nhất, ngân hàng này sở hữu cổ phần ngân hàng khác với tỷ lệ nhất định. 

Thứ hai, cổ đông lớn ngân hàng này, sở hữu một phần ngân hàng hoặc doanh nghiệp khác. 

Thứ ba, ngân hàng hoặc tập đoàn công ty mẹ có sở hữu đối với công ty con. Trên thực tế, bản chất SHC không phải là quá xấu và không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng diễn ra tình trạng này.

Như Nhật Bản, trong thời điểm khôi phục kinh tế giai đoạn 1960 - 1970, SHC phát triển khá mạnh. Tuy đến đầu những năm 90, SHC thoái trào dần nhưng đã đóng góp nhất định cho phát triển khôi phục kinh tế Nhật Bản. Việt Nam cũng vậy, khi nước ta bắt đầu mở cửa nền kinh tế cho phép lĩnh vực kinh tế tư nhân được phát triển và coi đó là thành phần kinh tế thì SHC manh nha xuất hiện. 

Rõ ràng xuất phát điểm doanh nghiệp thấp lại thiếu vốn, kinh nghiệm đặc biệt quản trị điều hành khá yếu, nên SHC được cho phép khi đó cũng là cơ hội để tăng huy động vốn, nguồn nhân lực, đặc biệt kinh nghiệm quản trị điều hành. 

Tuy nhiên, trải qua thời gian, diễn biến SHC trở nên phức tạp, các chủ thể liên quan thực hiện không tốt, đặc biệt là liên quan đến công khai minh bạch, khả năng quản lý giám sát chưa được tốt dẫn đến tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng.

- Ông có thể nói rõ hơn nguy cơ từ SHC?

Ví dụ, TCTD có sở hữu tại một doanh nghiệp khác có thể cho doanh nghiệp đó vay vốn với lãi suất thấp, có những "nhân nhượng", không kiểm soát chặt chẽ khâu giám sát. Theo đó, tạo ưu ái nhiều hơn cho doanh nghiệp sân sau của mình, dẫn tới sự không công bằng đối với các doanh nghiệp khác. Bản thân ngân hàng cũng bị thiệt hại nếu doanh nghiệp này làm ăn thua lỗ, nợ xấu phát sinh.

- Hiện đang có băn khoăn liệu cấp phó của ngân hàng có được tham gia làm lãnh đạo các doanh nghiệp? Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Lãnh đạo ngân hàng ở cương vị phó chủ tịch, phó tổng giám đốc cũng không được. Bởi luật có quy định rõ chặt chẽ, phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác. 

Tôi cho rằng quy định mới lãnh đạo ngân hàng không được làm lãnh đạo doanh nghiệp là rất tích cực, hạn chế tối đa việc cho vay sân sau dễ dàng trong thời gian qua.

- Theo ông, những quy định trên có thể triệt tiêu SHC?

Triệt để 100% tôi nghĩ là khó khả thi nhưng chúng ta sẽ hạn chế được tình trạng này cũng như hệ lụy của nó gây ra thông qua giải pháp tạo ra khuôn khổ pháp lý hoàn thiện mà cụ thể là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD vừa được thông qua cũng như đưa thông lệ quốc tế tốt nhất về quản trị ngân hàng, quản trị doanh nghiệp vào Việt Nam. Tôi hy vọng, NHNN sớm có các hướng dẫn quy định thực hiện điều khoản trong luật một cách công khai minh bạch để luật đi vào cuộc sống càng nhanh càng tốt.

Ngoài ra, để hạn chế được tình trạng SHC đòi hỏi sự phối kết hợp giữa các đơn vị liên quan, các bộ, ngành, đặc biệt khối thanh tra kiểm tra. 

Một nhân tố rất quan trọng nữa là yêu cầu doanh nghiệp nói chung, TCTD nói riêng cần phải minh bạch hơn, đặc biệt là sau khi cổ phần hóa, dứt khoát phải lên sàn niêm yết. Đó cũng là một cách tăng tính minh bạch của doanh nghiệp, ngân hàng trong nền kinh tế và quyết tâm chặn cửa SHC.

Tin mới lên