Ngân hàng

HSC: Nợ xấu ngân hàng ước tính gần 350.000 tỷ đồng

(VNF) – HSC đưa ra ước tính, nợ xấu ngân hàng, bao gồm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và nợ xấu mà VAMC mua từ các ngân hàng thương mại, ước tính lên đến gần 350.000 tỷ đồng tính đến thời điểm kết thúc nửa đầu năm 2016.

HSC: Nợ xấu ngân hàng ước tính gần 350.000 tỷ đồng

Nợ xấu ngân hàng đang chiếm khoảng 9,2% GDP

Theo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), tổng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm 2016 đang ở mức 129.960 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,45% GDP danh nghĩa.

Thêm vào đó, VAMC hiện đang nắm giữ khoảng 217.000 tỷ đồng nợ xấu mua từ các ngân hàng thương mại, tương đương 5,75% GDP. Cụ thể, tại thời điểm kết thúc nửa đầu năm 2016, VAMC đã mua tổng cộng khoảng 251.000 tỷ đồng nợ xấu và thu hồi được 34.000 tỷ đồng.

Như vậy, nếu cộng cả 2 con số trên thì tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 346.960 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc nửa đầu năm 2016, tương đương 9,2% GDP.

Mặc dù con số nợ xấu là rất lớn nhưng HSC lại cho rằng, chưa cần phải sử dụng đến nguồn lực ngân sách để xử lý nợ xấu. Lý do là bởi hệ thống ngân hàng đang rất tích cực trong việc xử lý và xóa nợ xấu bằng nguồn lực tài chính của chính các ngân hàng thương mại trong 4-5 năm qua.

HSC dự đoán, với tốc độ xử lý nợ xấu như hiện nay thì trong khoảng 2-3 năm tới, một phần đáng kể nợ xấu có thể được xử lý.

Cách thức xử lý vẫn giữ nguyên như lâu nay đang làm. Đó là tiếp tục sử dụng thu nhập hoạt động lãi thuần của ngân hàng thương mại để xử lý cho đến khi giá trị sổ sách của nợ xấu giảm xuống bằng với giá trên thị trường.

Khi nợ xấu đã xuống tới mức giá thị trường cũng là lúc đưa chúng vào thị trường mua bán nợ.

Đồng thời, HSC cũng nhận định: "Ở tốc độ trích lập dự phòng như hiện nay, việc xử lý nợ xấu thông qua thị trường mua bán nợ có thể sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2017. NHNN cũng đang quan ngại và muốn nhìn thấy những tiến triển ở vấn đề này trước khi áp dụng Basel 2 cho nhóm các ngân hàng đầu ngành từ 2018. Và việc nâng vốn tại các ngân hàng quốc doanh sẽ không thể thường xuyên; và chỉ giúp cải thiện hệ số CAR và tăng trưởng tín dụng về mức bình thường ở các ngân hàng này".

Phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra hôm 4/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ước tính, theo kinh nghiệm của nhiều nước, họ có thể sẽ phải chi 10%-15% GDP để xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Tin mới lên