Bất động sản

Hàng tồn kho của Novaland, Phát Đạt… tăng chóng mặt có đáng lo ngại?

(VNF) - Báo cáo tài chính năm 2016 của một loạt doanh nghiệp bất động sản lớn như Vingroup, Novaland, FLC, Phát Đạt… đều ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của giá trị hàng tồn kho. Vậy thực chất của hiện tượng này là gì?

Hàng tồn kho của Novaland, Phát Đạt… tăng chóng mặt có đáng lo ngại?

Giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản tăng khá nhanh trong năm 2016

Năm 2016, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản khá tươi sáng khi 25 doanh nghiệp có lãi tăng trưởng so với năm ngoái, 19 doanh nghiệp giảm lãi và chỉ có 6 doanh nghiệp báo lỗ.

Tuy nhiên bên cạnh sự tăng trưởng của doanh thu và lợi nhuận, giá trị tồn kho của các doanh nghiệp cũng tăng lên, đạt tổng giá trị hơn 105.000 tỷ đồng.

Trong 10 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho cao nhất năm 2016, Vingroup (HOSE: VIC) xếp thứ nhất với 32.045 tỷ đồng, tăng thêm 4.000 tỷ đồng so với năm 2015, tương đương mức tăng 14,33%.

Xếp thứ 2 là đại gia mới lên sàn Novaland (HOSE: NVL) với 15.636 tỷ đồng, tăng gần 8.500 tỷ đồng so với năm 2015, tương đương mức tăng 118,42%.

Các đơn vị khác như Phát Đạt, Hà Đô, Sacomreal, FLC… cũng có giá trị hàng tồn kho tăng khá mạnh.

Cụ thể, tính đến thời điểm 31/12/2016, giá trị hàng tồn kho của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) đạt 2.442 tỷ đồng, tăng 1.457 tỷ đồng so với năm 2015,  tương đương mức tăng 248% - là doanh nghiệp có tốc độ tăng hàng tồn kho lớn nhất năm.

Tăng cao tiếp theo là Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) với mức tăng 77,26%, đạt giá trị 1.099 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) cũng có tốc độ tăng khá mạnh với giá trị tăng thêm 1.282 tỷ đồng, tương đương tăng 21,23%, chính thức cán mốc 7.316 tỷ đồng.

Các đơn vị khác như Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC), Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (HOSE: IJC), Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG)… dù giá trị tồn kho không tăng hoặc suy giảm trong năm 2016, song giá trị tuyệt đối vẫn ở mức khá lớn, dao động từ 4.000 – 8.000 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của Vingroup, Novaland, Phát Đạt… tăng chóng mặt có đáng lo ngại? ảnh 1

Hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản tăng cao là vấn đề không đáng lo ngại

Việc giá trị hàng tồn kho duy trì ở mức cao và tăng chóng mặt trong năm 2016 là điểm đáng chú ý trong bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự gia tăng này lại không thực sự đáng lo ngại bởi lượng hàng tồn kho thực sự chỉ chiếm một phần nhỏ.

Chẳng hạn với Vingroup, trong tổng 32.045 tỷ đồng hàng tồn kho, có tới 28.677 tỷ đồng là bất động sản đang xây dựng, còn hàng sẵn sàng để bán chỉ có 709 tỷ đồng (chiếm 2,2%).

Điều tương tự cũng lặp lại ở Novaland, trong số 15.636 tỷ đồng hàng tồn kho có 14.926 tỷ đồng thuộc về các bất động sản đang xây dựng. Còn số đã hoàn thành chỉ có 490 tỷ đồng (chiếm 3,1%).

Ở trường hợp của Hà Đô, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa (10/2.442 tỷ đồng, tương đương 0,4%).

Như vậy, bản chất của việc gia tăng hàng tồn kho là sự mở rộng việc xây dựng, phát triển các dự án của các doanh nghiệp.

Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc nhận xét: trong năm 2015, số dự án mới không nhiều, đa số doanh nghiệp tập trung bán hàng nên giá trị hàng tồn kho rất thấp. Tuy nhiên khi bước sang năm 2016, sự tăng trưởng của thị trường đã thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng phát triển dự án. Chính điều này đã khiến giá trị hàng tồn kho lên cao.

"Có những dự án đưa ra thị trường vào khoảng tháng 9, tháng 10 nhưng đến tháng 12 đã kết sổ thế thì giá trị hàng tồn kho trên sổ sách tăng lên là tất yếu thôi. Các con số này không phản ánh thực chất tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, do đó không đáng lo ngại", ông Quyết nói.

Tin mới lên