Diễn đàn VNF

Góc nhìn: Điều 292 BLHS và chuyện kinh doanh vàng trên tài khoản

(VNF) - Chuyên gia pháp lý nêu sự bất hợp lý của Điều 292 Bộ luật Hình sự liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản.

Góc nhìn: Điều 292 BLHS và chuyện kinh doanh vàng trên tài khoản

Điều 292 Bộ luật hình sự sửa đổi quy định việc kinh doanh một số dịch vụ bị coi là cấu thành tội phạm, trong đó có việc cung cấp dịch vụ mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung giấy phép đối với kinh doanh vàng trên tài khoản.

Cụ thể, nếu tổ chức, cá nhân thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng hoặc có doanh thu từ 500 triệu đồng trở lên thông qua cung cấp dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông sẽ bị coi là phạm tội.

VietnamFinance xin giới thiệu góc nhìn của ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế của VCCI xung quanh vấn đề này:

"Bản chất của kinh doanh vàng tài khoản là việc kinh doanh một thứ hàng hóa phái sinh của thị trường hàng hóa, thông qua một bên cung cấp dịch vụ gọi là "sàn vàng". Thực chất, sàn vàng là một dạng của sở giao dịch hàng hóa.

Trước năm 2010, một số ngân hàng thương mại (NHTM) được Ngân hàng Nhà nước cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản. Ngoài ra, người chơi có thể tham gia các sàn vàng quốc tế thông qua một số doanh nghiệp tại Việt Nam làm chức năng đại lý giúp quản lý tài khoản, hướng dẫn nhà đầu tư…

Việc tham gia sàn vàng thông qua các NHTM được cho là an toàn hơn so với các doanh nghiệp khác, vì hệ thống quản lý nội bộ và trách nhiệm đối với nhà đầu tư của các NHTM được bảo đảm. Tuy nhiên, do hoạt động đầu tư vàng tài khoản chỉ mang tính hàng hóa phái sinh, không trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, các sàn vàng lại nằm ở nước ngoài, phía Việt Nam chỉ nhận phí dịch vụ nhưng lại có sức cuốn hút lớn đối với nhà đầu tư nên lượng tiền đổ vào thị trường này rất lớn.

Năm 2010, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư 01/2010/TT-NHNN chính thức cấm việc kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Nghị định 24/2012/NĐ-CP cũng quy định: "Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chỉnh phủ cho phép và được NHNN cấp Giấy phép." Cho đến nay, Thủ tướng và NHNN chưa cho phép bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào kinh doanh vàng trên tài khoản.

Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư vẫn rất lớn nên nhiều người vẫn bất chấp lệnh cấm mà đứng ra làm đại lý cho sàn vàng nước ngoài. Do đây là các hoạt động "nằm ngoài vòng pháp luật" nên quyền lợi của nhà đầu tư không được bảo đảm, đã có nhiều kiến nghị, phản ánh về tình trạng nhà đầu tư bị lừa chiếm đoạt tài sản.

Lúc này, các cơ quan công an đã vào cuộc và truy cứu những người làm đại lý cho sàn vàng nước ngoài với tội danh Kinh doanh trái phép, một số trường hợp bị truy cứu thêm về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi tội kinh doanh trái phép được bỏ đi, hành vi kinh doanh vàng tài khoản được đưa vào Điều 292.

Chúng tôi đồng ý rằng, hành vi kinh doanh vàng tài khoản có mức độ rủi ro rất cao, do bên cung cấp dịch vụ rất dễ thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thông qua các biện pháp kỹ thuật khó phát hiện. Tuy nhiên, xét về bản chất, việc xếp hành vi này vào Điều 292 (tội phạm về mạng) là chưa thực sự hợp lý.

Bản chất và lý do khiến cho nhà cung cấp dịch vụ kinh doanh vàng tài khoản có thể dễ dàng chiếm đoạt tài sản của người chơi xuất phát từ việc người chơi phải nộp tiền cho nhà cung cấp dịch vụ để mở tài khoản, thực hiện việc mua bán trên tài khoản đó và có thể rút tiền trên tài khoản đó. Bản chất này không chỉ xuất hiện ở sàn vàng mà xuất hiện ở mọi loại hình kinh doanh theo phương thức "sở giao dịch hàng hóa" được quy định trong Luật Thương mại.

Sở giao dịch hàng hóa (bao gồm cả hàng hóa vật chất và phái sinh) là dạng thị trường mà nhà đầu tư phải bỏ tài sản (tiền hoặc hàng) vào tài khoản để thực hiện việc mua bán. Lưu ý, sở giao dịch chứng khoán cũng là một dạng sở giao dịch hàng hóa với hàng hóa ở đây là chứng khoán. Hiện nay, Việt Nam đã có 2 sở giao dịch hàng hóa (là nông sản) được cấp phép nhưng hầu như không thu hút được nhà đầu tư. Không ít nhà đầu tư Việt Nam vẫn đang thông qua các NHTM, tham gia các sở giao dịch hàng hóa trên thế giới, nhưng do các loại hàng hóa khác không hấp dẫn bằng vàng nên không gây cơn sốt.

Việc tham gia sở giao dịch hàng hóa có thể được thực hiện trên mạng (nhà đầu tư có username và password để truy cập từ máy tính cá nhân và đặt lệnh), nhưng cũng có thể được thực hiện thủ công tại trụ sở của sàn. Hình thức tham gia, điện tử hay thủ công, không làm thay đổi bản chất của việc nhà đầu tư giao dịch qua tài khoản và từ đó dẫn đến nguy cơ lừa đảo.

Do đó, đối với việc xử lý hành vi kinh doanh vàng tài khoản, phù hợp hơn sẽ là một thiết kế một tội danh riêng dành cho các sở giao dịch hàng hóa (trừ chứng khoán). Nếu cần thiết, có thể quy định hàng hóa là vàng như một tình tiết tăng nặng.

Hiện nay, Nghị định 96/2014/NĐ-CP, Điều 25.7 quy định xử phạt 450 – 500 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh vàng khác (bao gồm cả vàng tài khoản) mà chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép". 

Tin mới lên