Tài chính tiêu dùng

Fintech trong thị trường 'tiền mặt là vua'

Một khảo sát của World Bank cho biết ở Việt Nam có 65% người lớn gửi, nhận tiền ngoài hệ thống chính thức hoặc trả tiền học phí, tiền hóa đơn bằng tiền mặt.

Fintech trong thị trường 'tiền mặt là vua'

Ảnh minh họa.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các công ty công nghệ tài chính (fintech) nước ngoài tại Việt Nam tạo ra một viễn cảnh khá tươi sáng cho ngành này. Nhưng ở một thị trường mà người tiêu dùng vẫn yêu thích tiền mặt thì rào cản để fintech vượt qua không hề... thấp.

Cuộc đua của các đại gia

Ngày 13/9/2017, tập đoàn công nghệ Samsung đã chính thức giới thiệu ứng dụng thanh toán di động SamsungPay tại Việt Nam. Samsung kỳ vọng sẽ thu hút được lượng người dùng đáng kể dựa trên số lượng điện thoại Samsung đang được tiêu thụ ở thị trường này. 

Và ngay ở giai đoạn đầu, 7 ngân hàng trong và ngoài nước đã kết nối với SamsungPay, cho phép những người sử dụng thẻ ATM hoặc thẻ tín dụng của các ngân hàng này có thể thanh toán nhanh gọn và an toàn chỉ bằng việc đưa chiếc điện thoại vào gần máy quẹt thẻ. 

Việc SamsungPay gia nhập thị trường thanh toán di động tại Việt Nam đã khiến cho thị trường fintech dậy sóng, và cũng là tín hiệu cho thấy Việt Nam đã lọt dần vào tầm quan sát của các đại gia fintech.

2 tháng sau, Jack Ma - người đứng đầu tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới Alibaba và công ty fintech đang làm mưa làm gió ở Trung Quốc là Ant Financial với ứng dụng Alipay - cũng đã tới tham dự sự kiện về thanh toán điện tử thường niên lớn nhất được tổ chức tại Hà Nội.

 Sự xuất hiện của Jack Ma tại sự kiện này mang tới lời cảnh báo rằng Ant Financial Services sẽ sớm tiến vào Việt Nam, vì trước đó Alibaba đã thâu tóm hoàn toàn công ty thương mại điện tử Lazada. Như một sự khẳng định cho lời cảnh báo đó, Ant Financial Services đang ký một thỏa thuận hợp tác với Công ty Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), đơn vị duy nhất thực hiện vai trò cổng kết nối các tổ chức mạng thanh toán quốc tế và mạng thanh toán châu Á tại Việt Nam. 

Trước khi Jack Ma tới Việt Nam không lâu, Facebook cũng đã chính thức đặt bước chân đầu tiên vào lĩnh vực fintech ở Việt Nam thông qua sự kết hợp với Ngân hàng Quân đội (MB) để lập ra kênh giao dịch tài chính eMBee, kênh giao dịch tài chính qua Fanpage đầu tiên ở Việt Nam. MB thậm chí còn kỳ vọng sẽ phát triển được 500.000 khách hàng mới thông qua kênh Facebook.

Có lẽ không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi cùng lúc cả Samsung, Ant Financial Services và Facebook cùng tiến vào thị trường fintech ở Việt Nam trong năm nay. Chỉ trong một thời gian ngắn từ đầu năm tới nay, fintech đang dần trở thành một xu hướng mới được nhiều người biết đến hơn ở Việt Nam và tạo ra một thị trường đầy tiềm năng cho các công ty fintech nhảy vào khai thác.

Ở Việt Nam có khoảng 30 triệu người đang sử dụng điện thoại thông minh và lượng người truy cập Internet ước tính 52% dân số. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng internet trung bình 9% mỗi năm, đứng thứ 15 thế giới. Đây chính là một môi trường lý tưởng để phát triển fintech.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho rằng, với tầm quan trọng và những cơ hội, tiện ích như khả năng tối ưu hóa tiện ích, tiết giảm chi phí, tạo ra những giá trị và trải nghiệm mới cho người sử dụng, fintech được nhận định sẽ là xu hướng phát triển tất yếu trong hoạt động tài chính ngân hàng trên phạm vi toàn cầu, chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Tiền mặt vẫn là vua

Tuy nhiên, đại diện khối ngân hàng kỹ thuật số của một ngân hàng thương mại lớn nhận định rằng các công ty fintech ở Việt Nam sẽ khó có thể tiến nhanh được trong vài năm tới. Đúng là Việt Nam có lượng dân số trẻ - những người có khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ mới nhanh – rất đông, thu nhập trung bình gia tăng và lượng người sử dụng internet chiếm tới hơn một nửa dân số. Nhưng điều quan trọng số người tiếp cận với dịch vụ ngân hàng lại vẫn còn ít.

"Khi nào thói quen tiêu tiền mặt vẫn còn lớn, thì fintech sẽ khó đi nhanh được" - ông cho biết. Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc dịch vụ tài chính Ngân hàng Ernst & Young (EY) Việt Nam chỉ ra rằng, dù Samsung Pay hay ứng dụng thanh toán bằng QR code mà Alipay cũng như hàng loạt ngân hàng Việt Nam đang áp dụng rất dễ dàng, tiện ích. 

Tuy nhiên, đa phần người dùng tải các dứng dụng này không thể thanh toán tiện lợi mọi lúc, mọi nơi, bởi đi chợ, uống cà phê vỉa hè, ăn phở sáng… đều không thể thanh toán bằng QR code hoặc Samsung Pay.

Một khảo sát của World Bank cho biết ở Việt Nam có 65% người lớn gửi, nhận tiền ngoài hệ thống chính thức hoặc trả tiền học phí, tiền hóa đơn bằng tiền mặt. Cụ thể hơn, có tới 6,2 triệu người lớn không tiếp cận được dịch vụ tài chính vì quá xa, 2,2 triệu người cho rằng quá đắt để sử dụng, 2,3 triệu người thấy khó khăn về mặt giấy tờ khi mở tài khoản và 1,1 triệu người không có niềm tin vào hệ thống tài chính. 

Còn theo số liệu của Global Findex năm 2014, chỉ có khoảng 1/3 người lớn có giao dịch với một một nhà cung cấp tài chính chính thức, thấp hơn mức trung bình của khu vực là 69%. Có lẽ vì thế mà Việt Nam đi sau nhiều nước về giao dịch điện tử.

Rõ ràng, các ứng dụng fintech như ví điện tử hay QR code chỉ là ngọn. Cái gốc là làm sao Việt Nam phải phát triển được các cơ sở bán hàng sử dụng những ứng dụng công nghệ này, thay vì nhận tiền mặt. Muốn làm được điều này, hành lang pháp lý để áp dụng công nghệ số cho các ngân hàng, fintech là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo nhiều người trong cuộc, hiện nay khung pháp lý cho fintech vẫn còn thiếu rất nhiều.

Tin mới lên