Tiêu điểm

Doanh nghiệp ‘tố’ VEC chỉ định thầu sai luật?

(VNF) - Không chỉ có những lùm xùm xung quanh việc đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vừa thông xe đã hỏng, VietnamFinance đã tiếp nhận thêm văn bản của ông Nguyễn Văn Gấm, Giám đốc Công ty TNHH và Thiết bị Nam Hải gửi Văn phòng Chính phủ “tố” Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chỉ định thầu sai luật.

Doanh nghiệp ‘tố’ VEC chỉ định thầu sai luật?

Doanh nghiệp ‘tố’ VEC chỉ định thầu sai luật

Chỉ định thầu vượt thẩm quyền?

Đơn thư nêu rõ, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt trong điều hành chính phủ, được nhân dân và doanh nghiệp cả nước ủng hộ, đặc biệt, việc giảm thiểu các thủ tục hành chính, xã hội hoá đầu tư công, tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp, hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần cùng bình đẳng trước pháp luật để phát triển.

Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp trước đây là doanh nghiệp vốn nhà nước (hoạt động công ích trong lĩnh vực quản lý, sửa chữa, bảo trì đường bộ, một số doanh nghiệp được giao thực hiện thu phí nộp ngân sách nhà nước...) được cổ phần hoá 100% và bán thương quyền thu phí theo chỉ đạo của Chính phủ và hoạt động theo Luật doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Theo ông Nguyễn Văn Gấm, mọi vấn đề về việc làm của các doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá đều tự tìm kiếm, chuyển nghề hoặc đấu thầu để có việc làm, hiện tại các doanh nghiệp phải cạnh tranh đấu thầu các gói thầu có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên để có việc làm.

Trong khi đó, VEC là doanh nghiệp có vốn nhà nước lại thành lập một loạt các doanh nghiệp mới, có vốn nhà nước mới như: Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Đường cao tốc Việt Nam (VEC E), Công ty cổ phần vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M), Công ty cổ phần Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VEC S)... tất cả đều thuộc VEC.

Các công ty con này được giao kế hoạch, chỉ định thầu thực hiện quản lý bảo trì và thực hiện thu phí tuyến đường Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây... với giá trị giao thầu không qua đấu thầu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

“Tay không bắt giặc”?

Cũng theo ông Nguyễn Văn Gấm, các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá 100% vốn nhà nước và các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ trong cả nước rất bức xúc và cần làm rõ.

Liệu VEC có vi phạm các quy định luật pháp hiện hành không khi giao thầu các gói thầu bảo dưỡng thường xuyên đường và phục vụ thu phí có giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi năm? Nếu vi phạm thì xử lý thế nào vì các nội dung trên đã diễn ra trong một thời gian dài?

“Trong khi đó, tại Tổng Cục đường bộ Việt Nam (ĐBVN) và các địa phương, gói thầu từ 500 triệu đồng trở lên đã phải đấu thầu”, ông Gấm cho biết.

Mặt khác, vì lý do gì mà VEC không “đặt hàng” công việc bảo trì cho các đơn vị nhà nước có kinh nghiệm (là doanh nghiệp sau cổ phần hoá) hoặc giao Tổng Cục ĐBVN đấu thầu mà lại giao cho các đơn vị do VEC mới thành lập như: VEC S, VEC O&M, VEC E... thuộc VEC?

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, VEC E được thành lập từ tháng 4/2010; VEC O&M được thành lập năm 2010; VEC S được thành lập từ tháng 3/2008...

“Đáng chú ý, dù được chỉ định thầu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm trong công tác bảo trì các tuyến cao tốc thuộc VEC quản lý, nhưng các doanh nghiệp thuộc VEC gần như không có máy móc, thiết bị để hoạt động công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến cao tốc được giao”, công văn nêu rõ.

Trong văn bản kiến nghị, ông Nguyễn Văn Gấm đề nghị Văn phòng Chính phủ xem xét, để hài hoà lợi ích và quyền lợi các doanh nghiệp trong cả nước và người dân quan tâm.

Bộ giao thông vận tải yêu cầu xử lý người đứng đầu VEC

Trong văn bản mới nhất, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nghiêm khắc phê bình Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VEC và các đơn vị nhà thầu, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế liên quan trong việc tổ chức thực hiện xử lý hư hỏng mặt đường bê tông nhựa dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu VEC phải chấn chỉnh thay thế ngay các nhà thầu sửa chữa, vá víu mặt đường tạm bợ, thủ công,.... Đồng thời, phải huy động các nhà thầu đầy đủ máy móc, thiết bị chuyên dụng; vật tư, vật liệu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Dù Bộ trưởng đã có “tối hậu thư” nhưng việc sửa đường theo kiểu “thủ công” dường như đã thành nếp tại các đơn vị VEC đang thực hiện. Điều đó cho thấy, công tác thi công, bảo trì các tuyến đường VEC thực sự có vấn đề.

Trước đó, tại dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai do VEC thi công, chỉ sau khi thông xe 3 ngày, tuyến đường này cũng đã bị nứt lớn, dài đến vài chục mét.

Tin mới lên