Nhân vật

Cựu CEO T&A Ogilvy đã nhận triệu USD nhờ một buổi tư vấn như thế nào?

(VNF) - “Phù thủy truyền thông” Nguyễn Thanh Sơn mới đây chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng anh đã nhận được 1 triệu cổ phiếu, tương đương với 7 con số nếu tính theo USD cho một buổi tư vấn cách đây 3 năm.

Cựu CEO T&A Ogilvy đã nhận triệu USD nhờ một buổi tư vấn như thế nào?

Cựu CEO T&A Ogilvy Nguyễn Thanh Sơn

“Hôm qua, chủ tịch một tập đoàn của Việt Nam đã hoàn tất thủ tục chuyển cho tôi 1 triệu cổ phiếu của tập đoàn anh. Trị giá của số cổ phiếu đó trên thị trường chứng khoán ở thời điểm hôm nay đạt 7 con số nếu tính theo đô-la Mỹ”, ông Nguyễn Thanh Sơn viết trên Facebook hôm 12/9.

Cựu CEO T&A Ogilvy tiết lộ đó là định giá của vị chủ tịch tập đoàn “cho một buổi tư vấn ba tiếng đồng hồ buổi sáng ba năm trước, buổi tư vấn mà theo anh, là nhân tố quan trọng cho thành công vượt bậc của doanh nghiệp anh ba năm qua”.

“Cho đến thời điểm này, đây là định giá cao nhất cho thời gian tư vấn của tôi”, ông Sơn nói thêm.

Ông Nguyễn Thanh Sơn nổi tiếng với biệt danh “phù thủy truyền thông”, từng là sáng lập và CEO của T&A Ogilvy. Vào tháng 11/1996, ông Sơn sáng lập ra công ty này. Đến năm 2002, công ty bắt đầu hợp tác với Ogilvy Public Relations Group (công ty con thuộc tập đoàn truyền thông thương hiệu WPP - Mỹ).

Năm 2009, Ogilvy & Mather, công ty truyền thông thuộc Tập đoàn WPP (Mỹ), công bố việc nắm giữ đa số cổ phần của Công ty TNHH Tư vấn Truyền thông T&A (T&A Communications) và đổi tên thành T&A Ogilvy.

Tập đoàn mẹ của T&A Ogilvy - WPP (Wire and Plastic Product Plc) là một công ty quảng cáo và quan hệ công chúng đa quốc gia có trụ sở chính tại London (Anh), văn phòng điều hành tại Dublin, Ireland. Đây là công ty quảng cáo lớn nhất thế giới tính theo doanh thu và tuyển dụng khoảng 162.000 người trong 3.000 văn phòng trên khắp 110 quốc gia.

Tháng 7/2016, ông Sơn chia sẻ trên trang Facebook cá nhân về quyết định rời T&A Ogilvy.

Cựu CEO &A Ogilvy từng là cố vấn về phát triển thương hiệu và chiến lược truyền thông cho các thương hiệu lớn của Việt Nam như Masan Group, Sovico Group, Tân Hiệp Phát, Vietnam Airlines, Vinamilk...

Ông cũng tư vấn cho hàng chục các thương hiệu quốc tế khác, trong nhiều lĩnh vực bao gồm công nghiệp nặng (Boeing, GE, Tata, SCG...), hàng tiêu dùng (Diegeo, Unilever, Nestle, Johnson&Johnson), công nghệ - viễn thông (Yahoo!, Western Digital, Beeline), dược phẩm (GSK, Roche), tài chính - ngân hàng (Standard Chartered Bank, Temasek và Visa).

“Vấn đề là, tôi đã từng thực hiện hàng trăm buổi tư vấn tương tự cho các khách hàng. Tôi vẫn thực hiện quy trình tư vấn thông thường bằng việc quan sát cách thức doanh nghiệp vận hành, phân tích tương lai của ngành và đưa ra một số định hướng cơ bản dựa trên kinh nghiệm và phán đoán cá nhân. Một số nhận định và phán đoán của tôi đã có tác động tích cực đến định hướng và chiến lược phát triển của đơn vị mà tôi tư vấn. Nhưng chưa có ai định giá nó cao như anh khách hàng vừa rồi”, ông Sơn chia sẻ về buổi tư vấn được định giá hàng triệu USD.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, “điều quan trọng không phải là anh nói cái gì, điều quan trọng là anh nói với ai”.

“Dan Lok, một trong những nhà tư vấn chiến lược và bán hàng được định giá cao nhất trên thế giới nói ‘khi anh không thể thay đổi được dịch vụ của mình, hãy thay đổi khách hàng’. Có những người đánh giá cao giá trị của những lời tư vấn, có những người không đánh giá cao lắm. Hãy chọn những người hiểu giá trị của bạn”!

Ông Nguyễn Thanh Sơn tiết lộ 3 đặc điểm của những lời tư vấn được định giá cao nhất của mình.

“Thứ nhất, nó không căn cứ trên một hợp đồng tư vấn nào. Các buổi tư vấn rất ngắn, không bao giờ quá 3 tiếng và ít khi nhiều hơn 5-6 buổi một năm. Vì không bị lệ thuộc vào hợp đồng, tôi có thể nói một cách hoàn toàn tự do, không ràng buộc những gì tôi suy nghĩ. Vì ngắn, các buổi tư vấn thực hiện đúng chức năng của nó là "vấn" để khách hàng "tư"- đây là quá trình trao đổi và cùng suy nghĩ về vấn đề”.

“Thứ hai, cũng vì không bị lệ thuộc hay ràng buộc nào, tôi có thể hoàn toàn trung thực trong chia sẻ suy nghĩ của mình về doanh nghiệp”.

“Thứ ba, tôi không tập trung vào việc chỉ ra vấn đề, tôi tập trung vào cơ hội phát triển, tức là chỉ tập trung vào yếu tố tích cực. Khi yếu tố tích cực được phát triển đủ lớn, nó sẽ tự giải quyết các vấn đề tồn tại của doanh nghiệp”, ông Sơn nói.

Tin mới lên