Thị trường

Cú sốc chi phí đang đẩy lạm phát của Việt Nam tăng cao

(VNF) - Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân khiến lạm phát 6 tháng đầu năm 2016 tăng cao đến từ các cú sốc chi phí như giá dầu, giá lương thực - thực phẩm, giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như thâm hụt ngân sách lớn.

Cú sốc chi phí đang đẩy lạm phát của Việt Nam tăng cao

Theo số liệu của Tổng cục Thống kế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2016, CPI đã tăng 2,35% so với tháng 12 năm trước, cao gần gấp 5 lần CPI của tháng 6 /2015 với cùng mốc so sánh. Trong đó chỉ số giá các nhóm dịch vụ y tế tăng 34%, dịch vụ giáo dục tăng 2,61%. Đây là các nhóm thuộc diện quản lý của nhà nước và đang trong lộ trình điều chỉnh giá tăng. Chỉ số giá nhóm giao thông cũng tăng mạnh do giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng trong 6 tháng đầu năm 2016.

Giá lương thực thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng và được dự báo sẽ tiếp tục tăng do bất ổn về thời tiết trong khi đó nhóm lương thực – thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng.

Như vậy, sau 4 năm (2012 -2015) tỷ lệ lạm phát thấp và đã từng có thời điểm một số nhà kinh tế lo ngại thiểu phát trong nền kinh tế thì hiện giờ lạm phát tăng tốc. Cho dù tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức thấp so với các năm trước đây, nhưng có một số dấu hiệu cho thấy lạm phát là hệ quả của những tương tác giữa các biến kinh tế và có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Viện Kinh tế Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2016, có một số dấu hiệu cho thấy nguyên nhân của lạm phát do chi phí đẩy, bắt nguồn từ các cú sốc.

Thứ nhất, giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước đã có những điều chỉnh tăng liên tục. Có một số lần điều chỉnh giảm nhưng tính tổng thể, giá xăng dầu trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng. Giá xăng dầu tăng tác động đến các mặt hàng liên quan đến xăng dầu như dịch vụ vận tải.

Giá xăng thế giới tăng là kết quả kết hợp của nhiều yếu tố như quyết định ra đi hay ở lại EU của Anh, triển vọng của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, Fed tăng hay giảm lãi suất cho vay qua đêm,… Vì vậy, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh theo là hợp lý. Đây là cú sốc ngoại sinh nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ, các chuyên gia này đánh giá.

Thứ hai, nguyên nhân là do điều chỉnh tăng giá các nhóm hàng thuộc diện quản lý của Nhà nước như nhóm giáo dục, y tế.

Thứ ba, thời tiết diễn biến bất thường tác động đến giá lương – thực phẩm. Theo số liệu công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2016, do hạn hán, lũ lụt, sản lượng nông nghiệp giảm. Sự kiện ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung cùng ô nhiễm sông tại Thanh Hóa,... cũng tác động tiêu cực đến sản lượng lương thực - thực phẩm, mà theo nhận định của các chuyên gia là do yếu tố chủ quan, do công tác quản lý và giám sát môi trường lỏng lẻo.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, nhóm nguyên nhân chi phí đẩy tác động rõ ràng nhất đến lạm phát. Các yếu tố này (giá dầu, giá lương thực – thực phẩm do thiên tai diễn biến phức tạp vào các tháng cuối năm 2016, giá nhóm hàng thuộc diện Nhà nước quản lý tiếp tục tăng theo lộ trình) sẽ còn tác động mạnh tới lạm phát  6 tháng cuối năm 2016 và góp phần làm tỷ lệ lạm phát ở mức cao hơn so với các năm trước đó.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, trong thời gian qua, bội chi ngân sách liên tục gia tăng và trong 6 tháng đầu năm 2016, bội chi ngân sách đã vượt 82 nghìn tỷ đồng, thu ngân sách đã không đủ bù chi thường xuyên là chi cho đầu tư dựa vào nguồn vốn vay. Bội chi ngân sách tăng cao cũng là chuyên nhân góp phần làm tăng lạm phát.

Về vấn đề này Tiến sỹ Ngô Trí Long cho rằng bội chi ngân sách là "bệnh thâm niên", hiện nay bình quân mỗi người Việt Nam gánh trên vai 29 triêu đồng nợ công. Khi bội chi ngân sách tăng cao thì nguy cơ lạm phát là luôn tiềm ẩn. Những tháng cuối năm bội chi có thể tăng cao hơn nữa. 

Tin mới lên