Tài chính

Chưa ngã ngũ vụ doanh nghiệp kiện Chi cục trưởng Hải quan Kỳ Hà, Quảng Nam

(VNF) - Ra quyết định áp thuế 80% với lô hàng 120 tấn đường nhập khẩu từ Lào, cao hơn 3 lần mức doanh nghiệp khai báo khiến Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Kỳ Hà, Quảng Nam bị kiện ra toà và đòi bồi thường hơn 2,27 tỷ đồng.

Chưa ngã ngũ vụ doanh nghiệp kiện Chi cục trưởng Hải quan Kỳ Hà, Quảng Nam

Cán bộ Hải quan của khẩu Kỳ Hà giám sát lô đường nhập khẩu.

Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho biết vẫn tiếp tục thụ lý vụ án hành chính phúc thẩm vụ kiện trên do bản án hành chính sơ thẩm số 75/2017 ngày 14/9/2017 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam có kháng cáo và kiến nghị giữa các đương sự.

Sự vụ xảy ra từ cuối tháng 3/2017, Công ty TNHH Thương mại Hoàng Nam Giang (HNG) ký hợp đồng với Công ty Mitra ở Lào mua 2.000 tấn đường. Mỗi tháng Mitra sẽ giao cho Hoàng Nam Giang 120 tấn. Đến tháng 4/2017, Hoàng Nam Giang làm thủ tục nhập khẩu lô hàng tại cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị với thông tin: Mặt hàng khai báo là đường mía Lào, hàng mới 100%, trị giá khai báo là 60.000 USD.

HNG cho rằng căn cứ Nghị định 124 ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định biểu thuế suất ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định thương mại song phương giữa Lào và Việt Nam, công ty đã xuất trình bản gốc mẫu C/O mẫu S hợp lệ để được hưởng thuế suất ưu đãi 2,5%.

Tuy nhiên, ngày 51/5/2017, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà ra quyết định số 24 về việc ấn định số thuế đối với lô hàng trên với mức thuế 80%, tương đương với gần 1,26 tỷ đồng, gồm 1,13 tỷ đồng thuế nhập khẩu và hơn 127 triệu đồng thuế VAT.

Không chấp nhận việc áp thuế này của Hải quan Kỳ Hà, Công ty Hoàng Nam Giang đã làm đơn khởi kiện yêu cầu huỷ quyết định trên để áp dụng mức thuế cho lô hàng 120 tấn đường là 2,5%, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền gần 2,27 tỷ đồng.

Chưa đủ căn cứ ấn định thuế suất

Ngày 14/9/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam mở phiên tòa xét xử hành chính sơ thẩm sự vụ trên. Tại toà, Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan Kỳ Hà trình bày rằng: Mặt hàng đường mà Hoàng Nam Giang nhập về được hưởng ưu đãi 50% thuế suất nhập khẩu ATIGA (50%x thuế suất 5% = thuế suất 2,5%) quy định tại Nghị định số 124 của Chính phủ thì phải có giấy phép nhập khẩu theo chế độ hạn ngạch thuế quan.

Trường hợp không xuất trình được giấy phép hợp lệ thì phải chịu thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch theo quy định tại Nghị định 122 của Chính phủ, tức thuế suất 80%. Do Hoàng Nam Giang không xuất trình được giấy tờ theo quy định nên cơ quan hải quan này mới áp dụng thuế suất ngoài hạn ngạch thuế quan 80% kể trên.

Tại phiên toà, sau khi xem xét các chứng cứ theo luật định, Hội đồng xét xử đã tuyên hủy Quyết định số 24/QĐ-KH, ngày 31/5/2017 của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Đồng thời buộc Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà Đoàn Đình Nhi thực hiện nhiệm vụ công vụ theo đúng quy định của pháp luật liên quan đến lô hàng 120 tấn đường của Hoàng Nam Giang nhập từ Lào theo mức thuế suất quy định của pháp luật; Quyết định cũng tách yêu cầu bồi thường thiệt hại của Hoàng Nam Giang để giải quyết bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của Luật Tố tụng dân sự khi công ty này có yêu cầu.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm cũng quyết định về phần án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Hai tuần sau đó, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan – Đoàn Đình Nhi có đơn kháng cáo, đề nghị toàn án cấp phúc thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của HNG, đồng thời áp dụng thuế suất theo quyết định số 24 do ông Nhi ký ban hành ấn định thuế suất 80%.

Cơ sở để ông Đoàn Đình Nhi đề nghị Toà án bác đơn kiện của Công ty Hoàng Nam Giang là dựa trên văn bản số 16083 của Bộ Tài chính thông báo việc áp dụng thuế suất đối với mặt hàng đường tại Lào thuộc nhóm 17.01 và là mặt hàng chịu hạn ngạch thuế quan. Và như vậy, thuế suất áp dụng cho lô hàng của Công ty Hoàng Nam Giang được xác định là 80%.

Theo Bộ Tài chính, điều 4, Nghị định 129 năm 2016 của Chính phủ quy định về thuế ưu đãi đặc biệt phải đáp ứng điều kiện là hàng hoá thuộc biểu thuế ưu đãi ban hành theo Nghị định này; Được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên của Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN, bao gồm Lào, Việt Nam; Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hoá do Bộ Công Thương quy định…

Tuy nhiên, chiếu theo các điều kiện kể trên thì Nghị định 129 quy định đối với mặt hàng đường nhập khẩu từ Lào vào năm 2017 không thấy quy định về hạn ngạch.

Trong văn bản mới đây gửi Bộ Tài chính và Công Thương, Toà án Nhân dân Đà Nẵng đề nghị được giải đáp 3 nội dung, gồm Việc quy định hạn ngạch thuế quan đối với trường hợp lô hàng của công ty Hoàng Nam Giang; Các quy định cụ thể đối với mặt hàng đường có áp dụng hạn ngạch thuế quan và trường hợp nào không áp dụng; Các quy định của Việt Nam liên quan đến Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) đối với mặt hàng đường.

Như vậy, tranh cãi giữa doanh nghiệp và Chi cục hải quan Kỳ Hà đã kéo dài gần một năm nay vẫn chưa đi đến hồi kết khi các bên liên quan liên tục kháng cáo và chứng minh mình đúng. Trong khi tranh cãi chưa ngã ngũ thì 120 tấn đường vẫn nằm trong xe phơi nắng ở cảng, chưa được thông quan, gây nguy cơ giảm chất lượng, hư hỏng…

Tin mới lên