Bất động sản

Chủ tịch VCCI: 'Tồn kho bất động sản liên tục giảm'

(VNF) - Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định trong 3 năm trở lại đây, tồn kho bất động sản ở tất cả các phân khúc đều giảm. Cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, lượng dự án xếp hàng thi công và chờ cấp phép nhiều. Đây là tín hiệu tốt đối với thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Chủ tịch VCCI: 'Tồn kho bất động sản liên tục giảm'

Hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản liên tục giảm trong thời gian qua (ảnh minh họa)

Thị trường bất động sản đang ấm lên

Thống kê của các sàn giao dịch bất động sản gửi về Bộ xây dựng cho thấy trong 2 quý đầu năm 2018, tại Hà Nội có khoảng 8.650 giao dịch thành công (tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2017); TP. HCM có khoảng 9.550 giao dịch thành công (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2017).

Trong quý II vừa qua, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư có xu hướng tăng nhẹ (khoảng 0,08%) so với quý I/2018 và giảm (khoảng 0,39%) so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 1,84% so với quý I/2018 và tăng khoảng 3,01% so với cùng kỳ năm 2017. Tại TP. HCM, giá căn hộ tăng 1,4% so với quý I và tăng 3,43% so với cùng kỳ; nhà ở riêng lẻ tăng tương ứng  3,24% và 10,42%.

Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm. Tính đến 20/6/2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 24.072 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở quý I/2013 đã giảm 104.476 tỷ đồng (giảm 81,27%); và giảm 1.310 tỷ đồng (giảm 5,16%) so với cuối năm 2017.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, dự báo giai đoạn 2018- 2020, thị trường bất động sản tiếp tục có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu, giúp thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Ở các đô thị lớn, đang tập trung phát triển hệ thống hạ tầng đô thị tạo ra dư địa lớn cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản cả trong trung hạn và dài hạn.

Cẩn trọng với “sốt ảo”

Dù thị trường bất động sản đang tiếp tục phục hồi, tăng trưởng song nhiều chuyên gia vẫn lo ngại về những thách thức mà thị trường phải đối mặt. Trong đó, tình trạng “sốt ảo” vẫn còn tiếp diễn, không ít chính sách còn chưa rõ ràng và chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thị trường.

Ví như các quy định đối với những loại hình sản phẩm “con lai”, gồm condotel, officetel... đang rất lúng túng; cơ chế, chính sách về nhà ở diện tích nhỏ cũng còn chưa thống nhất, còn khác nhau giữa những người vận hành, kể cả vấn đề quản lý nhà nước, tạo ra những vướng mắc trong triển khai.

Hay chủ trương về nguồn vốn cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội thì đã có nhưng thực tế lại chưa có hướng dẫn và chưa có vốn để triển khai. Tương tự, các công cụ phái sinh của thị trường bất động sản, mặc dù lên ý tưởng, lập đề án từ lâu như hệ thống tái thế chấp, ngân hàng tiết kiệm tương hỗ, quỹ đầu tư tín thác... nhưng đến nay vẫn chưa ra đời.

Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng cần thiết phải có một quỹ tiết kiệm nhà ở chung giống như các nước như Thái Lan, Singapore, đồng thời phải phát triển thị trường vốn, tạo nguồn vốn trung dài hạn và cân đối cấu trúc thị trường tài chính; tạo vốn mồi tại các quỹ tiết kiệm nhà ở, chương trình nhà ở xã hội...

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: “Từ giờ đến hết 2028 và cả 2019, khi van tín dụng hạn chế, việc tiếp cận nguồn vốn của cả chủ đầu tư và khách hàng đều khó sẽ làm giảm giao dịch. Điều này cộng với nhiều yếu tố khác (giá đất, đầu vào tăng...) sẽ làm khó khăn cho các nhà đầu tư và cho cả thị trường. Nhiều phân khúc, trong đó có condotel sẽ bị ảnh hưởng. Dự án của các chủ đầu tư yếu kém sẽ phải dừng lại, hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này sẽ mạnh hơn... Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần có kế phải có kế hoạch phát triển đúng đắn, cung sản phẩm phù hợp với thị trường và giảm chi phí để giảm giá bán”.

Để điều tiết thị trường, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết Bộ đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản. Đặc biệt, Bộ sẽ hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ các đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội”; “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”...

Tin mới lên