Tiêu điểm

'Chính phủ và doanh nghiệp phải song hành trong cuộc cạnh tranh quốc tế'

(VNF) - Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ quan điểm trước Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 sẽ diễn ra vào ngày 29/4 tới tại TP.HCM.

'Chính phủ và doanh nghiệp phải song hành trong cuộc cạnh tranh quốc tế'

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Lộc nói: 

"Mọi kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đang nằm ở chính chủ đề của cuộc gặp này, đó là Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế. Chúng tôi tin đây là mục tiêu Chính phủ đã lựa chọn cho giai đoạn 5 năm tới.

Nhưng để thực hiện được không hề dễ dàng. Chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét, xây dựng chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp trong 5 năm tới. Vì hiện tại, cho dù Chính phủ cũ cũng đã có những kế hoạch rất lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang trong tình thế khó khăn, năng lực cạnh tranh yếu kém.

Chỉ khi Chính phủ đặt thế cạnh tranh ngang hàng với các đối tác trong hội nhập, thì doanh nghiệp Việt Nam mới có điều kiện để cạnh tranh sòng phẳng trong hội nhập.

Chương trình này sẽ bao gồm những nội dung gì, thưa ông?

Một là, vẫn phải nhắc tới cải cách thủ tục hành chính. Muốn nói gì thì nói, doanh nghiệp Việt Nam chỉ chơi được với quốc tế, thành công trong hội nhập khi môi trường kinh doanh đạt chuẩn quốc tế, thủ tục hành chính đạt chuẩn quốc tế.

Doanh nghiệp không thể cạnh tranh được khi phải loay hoay đối phó với các thủ tục, các quy định phức tạp, không rõ ràng, minh bạch, với chi phí hành chính quá cao.

Hai là, giải quyết gánh nặng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam đang phải cõng chi phí rất nặng so với các doanh nghiệp trong khu vực, như chi phí vận tải, hành chính… Đây là một phần lý do khiến doanh nghiệp không thể đầu tư dài hạn vào sản xuất, mà thường phải chọn các cơ hội đầu tư quay vòng vốn nhanh, lợi nhuận cao, dù rủi ro cao trong các ngành dịch vụ, bất động sản…

Ba là, phải giải quyết bài toán chi phí vốn cho doanh nghiệp. Lãi suất cho vay mà các doanh nghiệp đang phải gánh gồm cả phần nợ xấu của các ngân hàng từ những doanh nghiệp không hiệu quả trước đó. Nếu tình hình này tiếp tục thì doanh nghiệp không có cách nào để đầu tư vào sản xuất được.

Cũng không thể cứ để doanh nghiệp mới bắt đầu bước vào kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải cõng các khoản nợ của những doanh nghiệp đã chết, những doanh nghiệp kém hiệu quả hay những khoản đầu tư không chuẩn mực trong quá khứ của các ngân hàng. Phải có cách để giải quyết dứt điểm nợ xấu, chứ không thể dồn cục như vậy được.

Thưa ông, như vậy, có nghĩa là vẫn phải tiếp tục bài toán cải cách thủ tục hành chính?

Vấn đề là phải có một cuộc "đại phẫu" về thủ tục hành chính, cắt giảm các quy định theo đúng tinh thần người dân, doanh nghiệp được kinh doanh những gì pháp luật không cấm của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, xa hơn là theo tinh thần của Hiến pháp.

Đồng thời, phải thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ, để vươn tới chuẩn mực của ASEAN, rồi tiếp tới là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chính phủ xác định rõ lộ trình và các tiêu chí định lượng phải đạt được trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong mối tương quan mới này. Có như vậy, doanh nghiệp mới có điều kiện nâng cao mình lên theo các chuẩn mực chung.

Đặc biệt, chúng tôi cũng sẽ kiến nghị chương trình hành động này phải được trình ra Quốc hội, để đảm bảo tính đồng bộ, khả năng thực thi cao, đồng thời tăng cường vai trò giám sát và thúc đẩy cải cách thế chế của Quốc hội.

Một cách ngắn gọn, lúc này, doanh nghiệp cần các hành động cụ thể theo đúng tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói, đó là có cải cách thủ tục hành chính tốt mà cán bộ thực hiện không tốt thì sẽ gây cản trở phát triển.

Tin mới lên