'Chính phủ kiến tạo mà các doanh nhân không tự làm mới thì rất khó đột phá'

Nghi Điền - 07/05/2018 16:17
“Cần thẳng thắn rằng không ít doanh nghiệp Việt không mấy hứng thú với cách thức bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng 'mì ăn liền', muốn có tiền tươi thóc thật, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ.
1
TS Nguyễn Đức Kiên

TS Nguyễn Đức Kiên nói:

"Ngay từ Cương lĩnh 2011, Đảng ta đã đề cao vai trò của kinh tế tư nhân. Trên cơ sở đó, Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa quan điểm đó của Đảng và nhiều luật, pháp lệnh, nghị định.

Thực tiễn cho thấy tới nay vẫn có sự phân biệt, đối xử giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước. Tôi lấy một ví dụ nhỏ, trong liên hoan phim tại Đà Nẵng tháng 11 vừa rồi, vẫn đưa tin theo kiểu 'có 30 phim của doanh nghiệp tư nhân, không có phim của doanh nghiệp nhà nước', mà chưa đổi nó thành doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Có nghĩa từ trong nhận thức, một số người vẫn chưa từ bỏ được phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.

Xây dựng một nước Việt Nam công nghiệp hoá theo hướng hiện đại sẽ xoá dần ranh giới giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Lúc này, nhà nước trở thành nhà nước kiến tạo, nhà nước phục vụ, nhà nước không quản lý trực tiếp doanh nghiệp nhà nước nữa.

Thế nhưng trong đầu một số người vẫn hằn sâu sự phân biệt như vậy, bởi thế Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nghị quyết chuyên đề để khẳng định tầm quan trọng của kinh tế tư nhân.

Cùng với đó, Hội nghị TƯ 5 cũng ban hành nghị quyết về đổi mới doanh nghiệp nhà nước và nghị quyết về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để tạo ra một hệ thống chính sách đồng bộ làm nền tảng cho phát triển kinh tế.

- Khi xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thì có thể hiểu như thế nào về vai trò, vị trí của khu vực doanh nghiệp nhà nước, thưa ông?

Phải nhận thức được trong mô hình hiện nay, chúng ta muốn xây dựng một nhà nước linh hoạt hơn, nhường quyền lại cho doanh nghiệp để phản ứng kịp thời và hợp lý hơn với diễn biến của nền kinh tế, vốn cần những quyết định mang tính kinh tế chứ không phải quyết định hành chính. Sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế tư nhân từ chỗ chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, thì đến nay đã có chỗ đứng và giữ vai trò tương đương với khối kinh tế nhà nước.

Xét về mặt duy vật biện chứng, khi một khu vực kinh tế đã có vị trí ngang bằng với khu vực mà một thời chúng ta đã nghĩ rằng là chủ đạo, thì phải công nhận nó và cùng với kinh tế nhà nước trở thành chủ đạo trong nền kinh tế. Kinh tế nhà nước bao gồm doanh nghiệp nhà nước, cổ phần nhà nước và các chính sách, dịch vụ công ích do nhà nước cung cấp.

- Ông có trăn trở gì cho giai đoạn phát triển sắp tới của khối kinh tế tư nhân?

Sau hơn 3 thập niên đổi mới, rõ ràng là kinh tế tư nhân của Việt Nam đã có sự phát triển đáng khích lệ. Nhưng thẳng thắn mà nói thì vẫn còn nhiều hạn chế, và nếu so với các nước trong khu vực thì vẫn chưa có nhiều đột phá.

Bên cạnh yếu tố quản lý nhà nước, có nguyên nhân quan trọng là bản thân nhiều doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được 5 yếu tố quyết định của doanh nghiệp, bao gồm chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động và đào tạo nguồn nhân lực.

“Tiên trách kỷ hậu trách nhân”, trước hết phải thấy rằng về mặt quản lý nhà nước, chúng ta chưa có những chính sách phù hợp để quản lý, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên cần thẳng thắn rằng không ít doanh nghiệp Việt không mấy hứng thú với cách thức

bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng 'mì ăn liền', muốn có tiền tươi thóc thật, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Dù chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa nhưng bản thân các doanh nhân không tự làm mới mình thì cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn và trung hạn.

Quảng cáo