Tài chính quốc tế

Các nhà lãnh đạo G-7 'đau đầu' tìm cách xoay chuyển Tổng thống Mỹ Donald Trump

(VNF) - Hội nghị thượng đỉnh các nước nhóm G-7, họp tại La Malbaie, Quebec, Canada, sẽ tập trung bàn luận vào các vấn đề thời sự nóng hổi trên phạm vi thế giới, trong đó đáng chú ý nhất là chính sách thương mại gây tranh cãi của Hoa Kỳ.

Các nhà lãnh đạo G-7 'đau đầu' tìm cách xoay chuyển Tổng thống Mỹ Donald Trump

Các nhà lãnh đạo G-7 'đau đầu' tìm cách xoay chuyển Tổng thống Trump

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Sáu đã đưa ra ý tưởng thiết lập một cơ chế giải quyết những khác biệt về thương mại với Hoa Kỳ và ngăn chặn những điều tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, khả năng sẽ có bất kỳ sự đột phá nào tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm G-7 tại La Malbaie, Quebec, là rất thấp. "Rất có thể Hội nghị sẽ không thu được một tuyên bố chung cuối cùng", một vị quan chức G-7 cho biết.

Các đồng minh và cũng là đối tác thương mại của Washington đang rất bất bình với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuần trước, ông đã tuyên bố bãi bỏ chính sách miễn thuế thép và nhôm cho Canada, Liên minh châu Âu và Mexico. Động thái của Mỹ đã khiến một số quốc gia quyết định “trả đũa” lại bằng chính thuế quan áp đặt lên hàng nhập khẩu từ Mỹ

Châu Âu, Canada và Nhật Bản cùng đồng lòng chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Hoa Kỳ, trong khi vẫn cố gắng tìm cách thu hẹp những bất đồng để tránh làm tan vỡ khối G-7 – một khối kinh tế - chính trị mạnh mẽ trong suốt lịch sử tồn tại 42 năm.

Vị quan chức cung cấp thông tin đã mô tả đề nghị của bà Merkel là một cơ chế “mang tính đánh giá và đối thoại chia sẻ". Đề xuất của bà Merkel đã được các nhà lãnh đạo khác ủng hộ mạnh mẽ tại cuộc họp, và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết ông sẵn sàng đầu tư vào ý tưởng này.

Khi được hỏi liệu nội các của Thủ tướng Canada Justin Trudeau có tham gia vào việc kiểm soát những thiệt hại gây ra bởi rào cản thuế quan của Hoa Kỳ, một quan chức chính phủ Canada cho biết rõ ràng sẽ có những bất đồng liên quan đến thương mại và quan hệ với Nga, và Canada hy vọng Hội nghị thượng đỉnh sẽ kết thúc với một số tiến bộ đạt được.

Trước khi rời Washington để đến dự Hội nghị, Tổng thống Trump cũng đã nêu rõ ràng quan điểm của mình. Ông nói: “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết vấn đề thương mại không công bằng. Nếu nhìn vào những ảnh hưởng đến nước Mỹ mà Canada, Mexico, và Liên minh châu Âu tạo ra trong nhiều thập kỷ, các bạn sẽ thấy. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi. Và tôi nghĩ các đối tác của chúng ta sẽ hiểu điều đó”.

Ông Trump cũng dự định rời Hội nghị thượng đỉnh trước khi bế mạc 4 tiếng, để lên chuyến bay tới Singapore, chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày 12/6 tới. Điều đó có nghĩa là ông Trump sẽ không có mặt vào thời điểm các nhà lãnh đạo khác bắt đầu phần kết luận Hội nghị, với những lời chỉ trích về các chính sách thương mại và ngoại giao của Washington.

Các nhà lãnh đạo G-7 đã hết lời khen ngợi Donald Trump vì những nỗ lực của ông trong việc thiết lập lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, họ lại không hề hài lòng với việc ông đơn phương rút Hoa Kỳ khỏi JCPOA – một thỏa thuận quốc tế được thiết kế để hạn chế tham vọng hạt nhân của Iran. Các quốc gia thành viên khác, đặc biệt là Liên minh châu Âu, đang cố gắng hết sức để có thể cứu vãn thỏa thuận nói trên.

Không chỉ khiến các nhà lãnh đạo quốc gia lo lắng, những quyết định của ông Trump còn phủ một “bóng đen” lên thị trường tài chính thế giới. Mặc dù ông Trump nói rằng thuế quan là cần thiết để bảo vệ ngành công nghiệp và công nhân Mỹ, Canada và EU cho rằng điều này đi ngược lại các nguyên tắc của WTO, tổ chức quốc tế mà Hoa Kỳ là một thành viên. Canada đã đề xuất một mức thuế mới đối với hàng hóa của Hoa Kỳ vào tháng tới và EU đang phác thảo một kế hoạch để “trả đũa” lại thuế của Mỹ.

Thị trường tài chính cho đến thời điểm này vẫn khá “tĩnh lặng”, với cổ phiếu giao dịch trong phạm vi hẹp, và lợi suất trái phiếu bằng phẳng. Đồng USD tăng một cách khiêm tốn so với đồng EUR, giảm nhẹ so với đồng JPY và đồng CAD.

"Chủ đề được quan tâm nhiều nhất là Tổng thống Trump và chính sách thương mại của ông ấy. Vì vậy, thị trường đang quan tâm rất sát sao tới Hội nghị G-7, nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn sàng hành động trước bất kỳ tin tức nào", Shaun Osborne, chiến lược gia tiền tệ tại Scotiabank ở Toronto, cho biết.

Các nhà đầu tư cũng đang lo ngại về tương lai của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) – thỏa thuận mà ông Trump liên tục chỉ trích và đe dọa chấm dứt. Canada và Mexico, hai thành viên còn lại của hiệp ước, tỏ ra thất vọng bởi tốc độ chậm và rất ít kết quả tích cực đạt được sau các cuộc đàm phán.

Tin mới lên