Tiêu điểm

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: ‘Dự thảo Luật đặc khu không có một chữ nào về Trung Quốc’

(VNF) – Trả lời báo chí tại hành lang Quốc hội sáng nay (6/6), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những chia sẻ cởi mở, thẳng thắn về những tranh cãi trong dư luận thời gian qua về dự thảo Luật đặc khu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: ‘Dự thảo Luật đặc khu không có một chữ nào về Trung Quốc’

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật đặc khu) sẽ được Quốc hội “bấm nút” vào ngày 15/6 tới.

Kể từ khi được đưa ra Quốc hội (kỳ họp thứ 4, tháng 10/2017) đến nay, dự thảo Luật đặc khu đã nhận được vô số góp ý, phản biện và đã được tiếp thu, chỉnh lý. Sau phiên thảo luận tại nghị trường hôm 23/5/2018, dự thảo luật vẫn tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi trong dư luận xã hội.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất là nội dung nhà đầu tư được phép thuê đất tới 99 năm tại các đặc khu. Dư luận cho rằng thời gian cho thuê kéo dài như vậy sẽ tạo ra các nguy cơ và hệ lụy khó lường cho đất nước.

Nói về khả năng giảm thời hạn thuê đất, trước khi dự luật được thông qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay việc này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

“Nếu có thể thì thiết kế điều kiện chặt chẽ hơn, thế nào là đặc biệt, thế nào là thật đặc biệt, thế nào mới được phép. Thứ hai là quy trình chặt chẽ và thẩm quyền phải cao hơn. Cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã nói rất nhiều, quyền quyết định thuộc về Quốc hội. Khi bấm nút đại biểu có nhiều cái băn khoăn nên phải lắng nghe đầy đủ ý kiến, phân tích đúng", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Về những lo ngại của dư luận khi cho rằng Trung Quốc sẽ “chiếm lĩnh” các đặc khu, ông Dũng khẳng định: “Dự thảo không có một chữ nào về Trung Quốc, chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc”.

“Luật quy định bình đẳng trong một môi trường chung. Với tất cả thành phần kinh tế và với tất cả các nước, môi trường hội nhập quốc tế ta đang mở nên bình đẳng hết, không hạn chế người này người khác. Mọi người đang hình dung tiêu cực, đang đẩy thành vấn đề sợ Trung Quốc. Nhưng chúng ta bình đẳng không phân biệt, không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước ta đang có chủ quyền. Ta phải bình tĩnh, xem xét và lắng nghe”, ông nói thêm.

Ông Nguyễn Chí Dũng cho hay cơ quan soạn thảo (tức Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã trình bày quan điểm rất nhiều lần. Tuy nhiên, “mọi người đang hiểu sai và có người cố tình hiểu sai”.

“Cái đúng thì các cơ quan phải cầu thị lắng nghe, tiếp thu chỉnh sửa. Cái gì chưa rõ thì giải trình, giải thích. Có người cố tình đẩy câu chuyện này lên để phá hoại. Phải làm khách quan, không sau này lịch sử phải trả lời trong thời khắc lịch sử này, ai là người phải chịu trách nhiệm; không phải cứ nói cho sướng mồm mà không có suy nghĩ, tư duy. Cái gì cũng sợ thì không làm được”.

Ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Tôi rất tâm huyết, trân trọng lắng nghe ý kiến của mọi người. Ví dụ vấn đề làm thế nào để người quy định không tạo kẽ hở. Còn đẩy theo chiều hướng sợ thế này thế kia thì không đúng, mắc mưu của người ta, người ta muốn mình cứ loay hoay thế mãi mà không bứt lên được.

“Mình phải mạnh dạn làm, cái gì cần chặt chẽ thì thiết kế cho chặt chẽ, làm thận trọng là đúng nhưng không vì thế mà không làm”.

Nói về nội dung dự thảo luật, có ý kiến lo ngại dự luật có quá nhiều ưu đãi mà không chú trọng đến các quy định về về thể chế, môi trường, ông Dũng phản biện: “Thể chế và môi trường là quan trọng nhất. Trong 85 điều thì có 25 điều giải quyết câu chuyện đó chứ không phải vấn đề ưu đãi. Ưu đãi phải có nhưng ở mức hợp lý và đã điều chỉnh giảm rất nhiều, giờ gần như xuống không có gì nữa rồi. Đã giảm rất hợp lý rồi, vẫn đi theo hướng tạo môi trưởng, thể chế thuận lợi”.

Trả lời câu hỏi “Có những đại biểu cảnh báo không đánh đổi quốc phòng an ninh với kinh tế, ông nghĩ sao?”, ông Dũng đanh thép: “Có ai đánh đổi không? Trong thiết kế luật không hề có chủ đích đánh đổi quốc phòng an ninh lấy kinh tế. Không có điều nào nói về điều đó. Đó là nguyên tắc số 1 khi thiết kế luật này, phải đảm bảo quốc phòng an ninh”.

Tin mới lên