Xe

BMW X3 tái xuất, đe dọa 'ngôi vương' của Mercedes GLC

(VNF) - Sự trở lại của BMW X3 do Thaco phân phối với mức giá rẻ hơn khoảng 150 triệu đang đe dọa "ngôi vương" của Mercedes-Benz GLC - dòng xe sang đạt doanh số bán kỷ lục gần 2.500 chiếc trong năm 2017.

BMW X3 tái xuất, đe dọa 'ngôi vương' của Mercedes GLC

Giá bán cao hơn, cơ hội nào cho Mercedes-Benz GLC tại Việt Nam trước sự trở lại của BMW X3.

BMW X3 giá rẻ hơn Mercedes-Benz GLC 

Thaco Trường Hải vừa công bố giá bán mới của lô xe BMW nhập khẩu đầu tiên tại Việt Nam. Đây là lô xe 304 chiếc được nhập về đợt 1 từ Đức trong năm 2018, mức giá có hiệu lực kể từ ngày 18/1.

Theo bảng giá công bố, các xe BMW do Thaco phân phối có giá thấp hơn từ 49 triệu đồng đến 589 triệu đồng/chiếc so với mức giá năm trước. Đáng chú ý, hiện giá bán của các mẫu xe BMW rẻ hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc tới hàng trăm triệu đồng.

 

Giá bán cao hơn, cơ hội nào cho Mercedes-Benz GLC tại Việt Nam.

Đơn cử như trên dòng SUV hạng sang cỡ nhỏ, hiện BMW X3 xDrive20i giá bán mới chỉ 1,999 tỷ đồng, đây được xem là mức giá bán khá "hời" cho khách hàng khi đối thủ Mercedes-Benz GLC có giá bán dao động từ 1,879 tỷ đến 2,149 tỷ đồng.

Cụ thể, trên phiên bản cao cấp GLC 300 4MATIC theo giá bán niêm yết trên website là 2,149 tỷ đồng, so với giá bán của BMW X3 xDrive20i thì hiện đắt hơn tới 150 triệu đồng.

Trên thị trường, BMW X3 và Mercedes-Benz GLC là hai đối thủ cạnh tranh không đội trời chung từ lâu. Sự trở lại của X3 với mức giá bán hấp dẫn hơn chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh "khốc liệt" trên thị trường ngay trong quý I của năm 2018.

BMW X3 và Mercedes-Benz GLC, cuộc chiến không khoan nhượng?

 

 

Được biết đến là mẫu xe tiên phong trong phân khúc SUV hạng sang cỡ nhỏ, kéo theo các ông lớn Mercedes, Audi hay Land Rover gia nhập cuộc chơi. BMW X3 chính thức trình làng tại triển lãm ô tô Detroit 2003 và có mặt tại Việt Nam từ năm 2011. Kéo dài đến tháng 8/2014, mẫu xe này tiếp tục có thêm phiên bản nâng cấp với 3 tùy chọn: X3 xDrive20i, xDrive28i và xDrive 20d.

Về phía đối thủ, Mercedes-Benz GLC ra mắt người tiêu dùng Việt Nam vào tháng 6/2015 với nhiệm vụ kế nhiệm "đàn anh" GLK. Chưa đầy một năm sau, Việt Nam trở thành thị trường đầu tiên lắp ráp trong nước chiếc GLC ngoài quê nhà Đức. Hai phiên bản GLC 250 và GLC 300 vừa mang trong mình những điểm mạnh của thế hệ trước, đồng thời sở hữu nhiều cải tiến mới được kỳ vọng tạo nên cơn sốt mới trên thị trường.

Trong bài so sánh này, chúng tôi mổ xẻ hai phiên bản cao cấp nhất của hãng là BMW X3 xDrive28i và Mercedes-Benz GLC 300.

 

Mercedes-Benz GLC (trái) và BMW X3 (phải).

Xét về thiết kế, GLC mang trên mình những đường nét cứng cáp, nổi bật là các đường gân dập nổi mạnh mẽ. Điểm mạnh của GLC chính là được trang bị hệ thống đèn pha LED trong khi đối thủ X3 chỉ được trang bị đèn projector. Tuy nhiên, mặt hạn chế lớn nhất của Mercedes-Benz GLC là không có đèn sương mù, một chi tiết tuy nhỏ nhưng lại rất hữu dụng khi di chuyển trong đêm hoặc sương mù vào mùa đông.

Về kích thước tổng thể của xe, hiện BMW X3 vượt trội hơn GLC khi nhỉnh hơn 1 mm ở chiều dài và 34 mm chiều cao. Cụ thể, GLC có tổng thể dài, rộng, cao lần lượt: 4.656 x 1.890 x 1.644 (mm) và chiều dài cơ sở 2.873 mm. Kích thước tổng thể của BMW X3 tương ứng dài, rộng, cao là 4.657 x 1.881 x 1.678 (mm) cùng chiều dài cơ sở 2.810 mm.

 

Nội thất BMW X3 (trên) và Mercedes-Benz GLC (dưới).

Xét về nội thất của xe, GLC khẳng định đẳng cấp sang trọng ở bên trong từ các chi tiết được gia công tỉ mỉ kết hợp hài hòa với chất liệu da, gỗ và hợp kim nhôm. Gói trang bị công nghệ tiêu chuẩn trên xe nổi bật với vô lăng 3 chấu có nút bấm điều khiển, màn hình màu TFT 7 inch tích hợp hệ thống dẫn đường, định vị GPS bản đồ Việt Nam, chìa khóa Keyless-Go, cửa sổ trời panorama siêu rộng, 3 cổng điều hòa, Bluetooth, Internet, cổng kết nối đa phương tiện, hệ thống âm thanh vòm Burmester 13 loa…

Với đối tượng mục tiêu nhắm đến là khách hàng trẻ tuổi năng động, BMW X3 được nhà sản xuất bố trí bên trong xe gọn gàng cho không gian rộng rãi, hàng ghế sau có khoảng để chân rộng,...

 

Hàng ghế phía sau của BMW X3.

X3 nổi bật không kém khi thiết kế vô lăng tích hợp nút bấm điều khiển chức năng, cửa sổ trời panorama, hệ thống âm thanh Hifi 9 loa hoặc tùy chọn dàn âm thanh Harman Kardon 16 loa, màn hình trung tâm 6,5 inch kết nối đa phương tiện, hệ thống iDrive cùng các hệ thống điều khiển tự thiết lập theo ý thích. Đi cùng với đó là điều hòa 2 vùng tự động với cửa gió riêng biệt ở phía sau….

Về khả năng vận hành, điểm chung của cả hai đối thủ là đều sử dụng bản động cơ I4 2.0 tăng áp, cho công suất như nhau 245 mã lực, nhưng mô-men xoắn cực đại trên GLC lại mạnh hơn tới 20 Nm.

 

Động cơ Mercedes-Benz GLC (trên) và BMW X3 (dưới).

Cụ thể, bản GLC 300 sử dụng động cơ I4 2.0 tăng áp, có công suất 245 mã lực và mô-men xoắn cực đại 370 Nm. Đi kèm là hộp số tự động 9 cấp 9G-TRONIC, cùng hệ thống dẫn động bốn bánh toàn thời gian 4MATIC. Về phía BMW X3 xDrive28i là khối động cơ I4 2.0 tăng áp, có công suất 245 mã lực, mô-men xoắn cực đại 350 Nm, đi kèm là hộp số tự động 8 cấp và hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian xDrive.

Vì thuộc phân khúc hạng sang nên GLC và X3 đều được trang bị nhiều tính năng công nghệ như phanh chống bó cứng ABS bốn bánh, hỗ trợ phanh gấp, trợ lực điện, hệ thống ổn định thân xe điện tử, kiểm soát lực kéo, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, phanh tay điện tử, điều hòa tự động, camera hỗ trợ đỗ xe, cảm biến trước sau...

Nếu Mercedes GLC gắn liền với phong cách lịch lãm đặc trưng của thương hiệu "ngôi sao ba cánh", thì BMW X3 lại hướng tới sự năng động và tiện dụng, đáp ứng tốt nhu cầu của người thành thị và gia đình nhờ khả năng vận hành ổn định, không gian cabin rộng thoáng và nhiều tiện nghi.

Như vậy, với tầm tiền khoảng 2 tỷ đồng, người tiêu dùng có thể lựa chọn một mẫu xe nhập khẩu tốt hơn nhiều so với một chiếc xe được lắp ráp trong nước.

BMW giảm giá hàng loạt, 'khai chiến' với Mercedes Việt Nam?

 

Vào tháng 9/2017, Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) từng phải tiến hành triệu hồi gấp đối với mẫu xe ăn khách là GLC 250 4MATIC và GLC 300 4MATIC do liên quan tới nguy cơ gây cháy.

Trong đó, số lượng hai mẫu xe bị triệu hồi nằm trong tổng số 550 chiếc được sản xuất từ tháng 12/2016 đến tháng 2/2017 và 220 chiếc có thời gian sản xuất từ tháng 2/2014 đến 2/2017. (Ngoài GLC 250 4MATIC và GLC 300 4MATIC, tổng số xe này còn bao gồm các mẫu xe khác của hãng như: C 200; C 300; E 200; E 250; E 300).

Nguyên nhân theo công bố từ nhà sản xuất cho biết do liên quan đến lỗi quá tải cầu chì bộ bảo vệ mạch khởi động có thể bị quá nhiệt do tài xế cố nổ máy nhiều lần, và làm chảy một số bộ phận xung quanh, tăng nguy cơ cháy. Đây cũng là nguyên nhân khiến 1 triệu chiếc ôtô hạng sang của Đức này phải triệu hồi trên toàn thế giới.

 

Tin mới lên