Công nghệ

Bí thư Đồng Tháp nêu quan điểm 'khởi nghiệp từ tâm'

(VNF) - Bí thư tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan, vừa có bài viết đáng chú ý về vấn đề khởi nghiệp, trong đó nhấn mạnh quan điểm "khởi nghiệp từ tâm".

Bí thư Đồng Tháp nêu quan điểm 'khởi nghiệp từ tâm'

Bí thư Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan (trái) trong một sự kiện về khởi nghiệp gần đây

"Câu chuyện khởi nghiệp gần đây được luận bàn ở cấp độ quốc gia với những "Hệ sinh thái khởi nghiệp", "Quỹ đầu tư mạo hiểm", "Quỹ khuyến khích khởi nghiệp"... Đây đó đã đưa ra khẩu hiệu địa phương khởi nghiệp với nhiều chương trình, cơ chế, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp. Báo chí truyền thông cũng ngày càng dày hơn những chuyên trang chuyên mục về khởi nghiệp. Các cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức với những cấp độ khác nhau, tạo ra những hiệu ứng xã hội. Có lẽ chưa bao giờ khởi nghiệp được quan tâm trên nhiều diễn đàn như vậy.

Không phải là chuyên gia tư vấn về khởi nghiệp, nhưng người viết tiếp cận với vấn đề khởi nghiệp từ câu chuyện của một bạn trẻ ở miệt Hồng Ngự, Đồng Tháp. Bạn thầm lặng khởi nghiệp cho đến khi được nhận giải cao trong cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 2-2016 vừa qua. Ý tưởng khởi nghiệp của bạn trẻ này đã được hiện thực hóa bằng sản phẩm Gạo sạch Tâm Việt - "Cái tâm của người Việt" với câu khẩu hiệu "Gạo ngon từ đất - Gạo chất từ tâm". Vâng, tất cả bằng chữ "tâm" thật nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa nhiều điều sâu lắng trong câu chuyện khởi nghiệp.

Trước hết, là "tâm" của người khởi nghiệp. Đó là cái tâm đối với niềm tin của người tiêu dùng, cái tâm của người trước khi nghĩ về phần mình thì đã nghĩ đến cái lợi cho quê hương, cho cộng đồng. Cái tâm ở đây chính là sự cam kết bằng trách nhiệm, bằng niềm tự hào đối với sản phẩm mình dày công làm ra. Và, cái tâm ở đây còn là sự tâm huyết, sự dấn thân trên con đường khởi nghiệp vốn không bao giờ bằng phẳng, không trải toàn hoa hồng và sự thành công luôn ít hơn rất nhiều so với sự thất bại như nhiều chuyên gia đã tổng kết và cảnh báo.

Đây đó không ít câu chuyện người tiêu dùng bị mất niềm tin vì các sản phẩm làm ra lúc đầu rất tốt nhưng dần vì hám lợi người sản xuất đã không còn giữ đúng như cam kết ban đầu. Thì đó, không ít thương hiệu đã lập lờ về chất lượng, đánh tráo những khái niệm về tiêu chuẩn. Đâu đó có những chuyện cũng vì hám lợi làm tổn thương cộng đồng. Thì đó, những doanh nghiệp đã xả ra môi trường những chất độc hại, ảnh hưởng đến những người chung quanh mình.

Cái "tâm" ở đây còn ở các cấp chính quyền. Cái tâm của người lãnh đạo luôn đồng hành, truyền cảm hứng cho những ý tưởng khởi nghiệp. Hệ thống có "tâm" để cụ thể hóa cam kết đồng hành bằng những việc làm thiết thực chứ không là những khẩu hiệu sáo rỗng, làm theo kiểu phong trào, theo kiểu người ta có mình cũng có. Cái "tâm" của chính quyền phải chuyển hóa thành cả hệ thống vào cuộc, tiếp cận với các dự án khởi nghiệp, từ lắng nghe, chia sẻ, định hướng, tư vấn, phản biện, đến cụ thể hóa bằng các chính sách hỗ trợ cụ thể. Tất cả những hành động đó tạo niềm tin cho người khởi nghiệp, đừng để họ bơ vơ những ngày đầu trên con đường dài khởi nghiệp.

Từ sản phẩm khởi nghiệp đến thương mại hóa sản phẩm là cả một quy trình với xây dựng thương hiệu, xuất xứ hàng hóa, quảng bá xúc tiến thương mại... Cái "tâm" của chính quyền là làm sao để cơ quan này, đơn vị kia không là điểm nghẽn làm nản lòng người khởi nghiệp, để có một sự cam kết chính quyền luôn là chỗ dựa. Mọi hàng rào phải được dẹp bỏ, mọi cánh cửa của cơ quan công quyền phải luôn rộng mở đối với những người khởi nghiệp. Đó là chính là "chính quyền khởi nghiệp"!

Cuối cùng là cái "tâm" của xã hội, của người tiêu dùng. Sản phẩm khởi nghiệp có thể chưa bằng hàng ngoại, chất lượng có thể chưa hoàn hảo. Nhưng hãy hỗ trợ bằng cách tiêu dùng để người khởi nghiệp có thêm động lực và nguồn lực. Người tiêu dùng có quyền hoài nghi về chất lượng sản phẩm nhưng hãy tham gia góp ý, vun đắp để rồi nhận được những sản phẩm hoàn hảo hơn. Sự dễ dãi hoặc sự chỉ trích đều là rào cản đối với người khởi nghiệp.

Đọc đâu đó trên mạng thấy ở xứ này, xứ nọ từng người trong xã hội được ngầm phân công cụ thể, ai sản xuất thì sản xuất cho tốt, ai bán hàng thì phải bán cho được hàng, và người tiêu dùng thì phải mua đồ của xứ sở mình làm ra. Nghĩa vụ của một công dân đối với nền kinh tế đất nước chỉ có vậy thôi, không nhìn ngó và chỉ trích.

Chúng ta mới bắt đầu trên con đường dài của câu chuyện khởi nghiệp. Tất cả bắt đầu bằng chữ "tâm" và sự thành công cũng từ chữ "tâm", chữ "tâm" của người khởi nghiệp, của các cấp chính quyền và của toàn xã hội.

Cho đi cũng là nhận lại. Niềm tin có thể biến thành động lực, động lực có thể biến thành nguồn lực cho mỗi người chúng ta. Tất cả mọi người đồng hành cùng khởi nghiệp, xã hội khởi nghiệp. Đó cũng chính là "hệ sinh thái khởi nghiệp". 

Tin mới lên