Bất động sản

Bát nháo thông tin dự án: ‘cò đất’ hét giá, người mua chịu thiệt

(VNF) - Mặc dù luật quy định phải công khai thông tin dự án, song hầu hết các chủ đầu tư đều không thực hiện. Tình trạng này tạo điều kiện cho "cò đất" mặc sức phù phép thông tin gây rủi ro cho người mua nhà.

Bát nháo thông tin dự án: ‘cò đất’ hét giá, người mua chịu thiệt

Thông tin dự án không được công khai đầy đủ sẽ tạo nên rủi ro cho người mua nhà

Chủ đầu tư phớt lờ luật

Luật kinh doanh bất động sản quy định rõ, chủ đầu tư phải công khai thông tin dự án tại trang web của công ty, trụ sở ban quản lý dự án và sàn giao dịch.

Nội dung công khai gồm các thông tin kỹ thuật của dự án (loại hình, vị trí, quy mô, đặc điểm tính chất, công năng sử dụng, thực trạng, tiến độ công trình) và thông tin pháp lý (quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, hợp đồng bảo lãnh, văn bản cho phép bán, cho thuê của cơ quan có thẩm quyền).

Ngoài ra còn phải công khai các hạn chế quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (nếu có), đi kèm đó là giá bán, cho thuê, chuyển nhượng…

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết chủ đầu tư đều phớt lờ quy định trên. Phần lớn thông tin được chủ đầu tư công khai chỉ là các thông tin nền, thông số kĩ thuật của dự án. Hồ sơ giấy tờ pháp lý đều bị giấu nhẹm, ngay cả nhân viên các sàn giao dịch cũng không được photo, lưu giữ.

Theo lý giải của các chuyên gia, đa phần các dự án được mở bán hiện nay đều trong tình trạng chưa đầy đủ thủ tục giấy tờ, chưa xây dựng xong nên chủ đầu tư rất dè chừng khi công khai thông tin dự án.

Mặt khác, các chủ đầu tư cũng muốn giữ kín thông tin pháp lý để "trục lợi" thêm. Chẳng hạn như chủ đầu tư chỉ có giấy phép xây dựng 35 tầng, nhưng bằng việc không công khai giấy phép, trong thời gian xây dựng, họ có thể "chạy" để nâng số tầng lên cao hơn để tăng lợi nhuận.

Cò đất mặc sức "phù phép" thông tin

Không chỉ giấu nhẹm các thông tin quan trọng của dự án, nhiều chủ đầu tư còn cho phép mở rộng không giới hạn các kênh bán hàng và "thả nổi" cho các nhân viên môi giới mặc sức "phù phép" thông tin.

Bằng cách copy của nhau, hàng loạt trang web bán nhà được lập ra với tốc độ và số lượng chóng mặt. Lấp đầy các trang web ấy là những thông tin dự án được "tô hồng" hoặc "bóp méo" về chất lượng, tiến độ và giá cả.

Một nhân viên môi giới sàn Cen Group tiết lộ, nhiều trang web tự ý "thổi giá" dự án lên rất cao để ôm hàng và ăn chênh lệch mà không bị chủ đầu tư phản ứng. "Bởi đơn giản chủ đầu tư chỉ cần bán được hàng, còn nhân viên môi giới dùng cách gì, họ không quan tâm", nhân viên này nói.

Cũng theo lời nhân viên này, mặc dù thông tin hỗn loạn và không chính xác nhưng hầu hết người mua nhà hiện nay lại rất dễ dãi trong việc tìm hiểu và "xuống tiền", bất chấp các rủi ro có thể gặp phải.

"Đa phần khách hàng bây giờ mua nhà dựa trên danh tiếng của chủ đầu tư hơn là xem xét kĩ lưỡng giấy tờ pháp lý của dự án. Mặt khác, dân môi giới cũng có nhiều thủ thuật để thuyết phục người mua nhà không vặn vẹo về các giấy tờ pháp lý ấy".

Nên gom thông tin lại một chỗ

Theo luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico), luật đã có quy định về công khai thông tin dự án, nhưng công khai thế nào, đúng sai ra sao thì không ai biết được, cũng không có chế tài mạnh để xử lý các trường hợp không chấp hành.

"Thay vì yêu cầu đăng tin trên website, sàn giao dịch hay phương tiện thông tin đại chúng… nên dồn toàn bộ thông tin dự án vào một cơ quan chức năng nào đó để tiện cho công tác thanh kiểm tra, thẩm định và công khai.

Cơ quan này sẽ đóng vai trò như Ủy ban chứng khoán trong lĩnh vực bất động sản. Ở đó, mọi thông tin dự án đều đầy đủ, rõ ràng, được đánh giá nghiêm túc và kiểm soát chặt chẽ.

Còn nếu cứ tiếp tục kiểu ra quy định xong rồi bỏ đấy, ai muốn làm sao thì làm thì thành ra lừa dân, cuối cùng mọi rủi ro sẽ đổ hết lên đầu người mua nhà", luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.

Tin mới lên