Tài chính

Áp thuế cao với nước ngọt để chống... béo phì: 'Béo kệ chúng tôi không mượn ông lo'

Phản hồi lại đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt vì lo người dân béo phì, nhiều độc giả cho rằng Bộ Tài chính đang “lo bò trắng răng”, thậm chí làm thay việc của Bộ Y tế và Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng.

Áp thuế cao với nước ngọt để chống... béo phì: 'Béo kệ chúng tôi không mượn ông lo'

Ảnh minh hoạ.

Như Dân trí đưa tin, tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới đưa ra lấy ý kiến gần đây, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với các mặt hàng nước giải khát có đường (trừ sữa) nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt nhằm giảm tình trạng người dân thừa cân, béo phì và mắc bệnh tiểu đường.

Phản hồi lại đề xuất này, nhiều độc giả Dân trí cho rằng Bộ Tài chính đang “lo bò trắng răng”, thậm chí làm thay việc của Bộ Y tế và Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng.

"Có vẻ khiên cưỡng"

Độc giả Nguyễn Cương bình luận: "Trăm thứ thuế đều đổ vào đầu người dân thôi, mấy năm gần đây chỉ thấy Bộ Tài chính đề nghị được tăng thuế, thêm danh mục thuế mà chưa thấy Bộ có được đề xuất, giải pháp gì để thắt chặt chi tiêu công nhằm giảm bớt áp lực thuế cho người dân".

Thậm chí có độc giả đặt vấn đề “phía sau sự lo béo phì của người dân của Bộ Tài chính là lo sự thiếu hụt ngân sách” và cho rằng lý do đưa ra để tăng thuế “có vẻ khiên cưỡng và mắc cười”.

Độc giả Thai Nguyen Van “dí dỏm” viết: "Một lý do tăng thuế đầy tính nhân văn, yêu thương dân. Tăng thuế xăng dầu vì sợ dân bị ngửi khói độc. Tăng thuế nhà đất vì sợ dân bị ở nhà rẻ tiền. Tăng phí chữa bệnh vì sợ dân lâu lành. Tăng cường BOT vì sợ dân đi đường xấu. Rất ưu việt, cần tăng các loại thuế thêm nữa để phục vụ nhân dân”.

Độc giả Pham Lam viết:"Đúng là lo bò gãy răng. Béo kệ chúng tôi không mượn ông lo". Một độc giả khác có ý kiến tương tự: "Thôi để chúng tôi béo phì được rồi. Cảm ơn mấy ông đã lo". Có độc giả còn đề nghị chuyển cán bộ soạn chính sách trên sang... Bộ Y tế vì "biết quan tâm đến sức khỏe nhân dân".

Độc giả Nguyễn Duy Minh lo lắng: "Việc tăng thuế này sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao và lạm phát sẽ tăng theo”.

Một độc giả khác cũng bình luận: "Giá như quản chặt chi tiêu hạn chế tối đa thất thoát và lãng phí công sản chắc sẽ được ủng hộ 100%”.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đồng tình với luận điểm của Bộ Tài chính.

Theo độc giả Hoa Điêu: "Hoàn toàn đồng ý, không có gì vô lý cả. Ở UAE, từ đầu năm nay đã chính thức tăng giá 100% với tất cả các mặt hàng nước ngọt có gas và thuốc lá. Tôi ủng hộ quyết định này, lợi nước có thêm thuế, lợi dân giữ gìn sức khoẻ”.

Cần nghiên cứu bằng chứng liên quan tới béo phì

Đóng góp ý kiến về đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt của Bộ Tài chính, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng hiện chưa có bằng chứng thuyết phục về mối liên hệ giữa thừa cân, béo phì và việc sử dụng nước ngọt có đường.

Vị chuyên gia dẫn số liệu nghiên cứu cho biết trên thực tế Việt Nam cùng với Bangladesh là hai nước có tỷ lệ dân số béo phì thấp nhất thế giới (khoảng 1%), theo một nghiên cứu dựa trên số liệu trong vòng 35 năm của 195 quốc gia và vùng lãnh thổ, được thực hiện bởi Viện Đánh giá và Đo lường Sức khoẻ (IHME) thuộc Đại học Tổng hợp Washington tại Seattle, Mỹ.

Số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng xếp Việt Nam trong nhóm các nước có tỷ lệ béo phì thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, cùng với Campuchia, Uganda, Burundi và Niger.

Còn theo Báo cáo “Thừa cân béo phì ở người trưởng thành Việt Nam, thực trạng và một số yếu tố nguy cơ” hiện tượng thừa cân, béo phì ở người trưởng thành tại Việt Nam bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm chế độ ăn nhiều thức ăn động vật, tình trạng thiếu vận động thể lực và sử dụng rượu bia ở mức có hại.

Ngoài ra, tính trung bình, một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 10,2 kg đường và chất tạo ngọt trong năm 2013, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của thế giới (24 kg) và mức trung bình ở nhiều nước khác. Đường và chất tạo ngọt chỉ cung cấp khoảng 4% tổng số năng lượng trong chế độ ăn hàng ngày của một người Việt Nam và chỉ bằng phân nửa tỷ lệ trung bình của thế giới (8%). Thành phần chính trong khẩu phần ăn của người Việt vẫn là ngũ cốc (chiếm 57%), trong đó chủ yếu là gạo (chiếm 52%).

Số liệu của Euromonitor International cũng cho thấy người mức tiêu thụ nước ngọt của người Việt (trung bình 10 lít/người/năm; số liệu năm 2014) thấp hơn nhiều các nước khác trên thế giới, chẳng hạn như Cameroon (19,1 lít/người/năm), Hungary (46,5 lít/người/năm), Australia (86,8 lít), Hoa Kỳ (153,6 lít)…

"Như vậy, chừng nào Bộ Tài chính chưa đưa ra được những số liệu, bằng chứng thuyết phục để chứng minh cho việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có đường sẽ giúp giảm tỷ lệ béo phì, thừa cân ở Việt Nam, thật khó có thể kết luận béo phì, thừa cân đang là vấn đề cấp bách cần phải giải quyết ở Việt Nam và sắc thuế này là giải pháp đúng đắn cho vấn đề đó", ông Long cho biết.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng về mặt lý thuyết, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước ngọt có đường sẽ giúp Chính phủ có thêm nguồn thu. Tuy nhiên, sắc thuế này cũng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (làm giảm doanh thu, lợi nhuận…), từ đó khiến cho nguồn thu của nhà nước từ các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và phần nào là thuế thu nhập cá nhân bị sụt giảm.

Tin mới lên