Tài chính tiêu dùng

Ăn uống nhà hàng phải quẹt thẻ: Ai 'gánh' phí giao dịch?

Ngay khi biết thông tin Cục thuế TP. HCM đang đề xuất quy định hóa đơn nhà hàng từ 5 triệu đồng trở lên, khách hàng phải dùng thẻ để thanh toán, nhiều người cho rằng sẽ rất phiền phức, bởi không phải ai cũng có thói quen dùng thẻ.

Ăn uống nhà hàng phải quẹt thẻ: Ai 'gánh' phí giao dịch?

Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên khuyến khích chứ đừng bắt buộc. (Ảnh minh họa)

Khi đề cập đến vấn đề khách ăn hàng phải cà thẻ, bà Nguyễn Thị Thu Trà, chủ chuỗi nhà hàng hải sản trên đường Lê Quý Đôn (Q.3) trả lời thẳng, không mặn mà với việc này. "Các ngân hàng thường tính phí thanh toán qua thẻ khá cao đối với chủ kinh doanh. Nếu khách hàng dùng thẻ, đặc biệt là thẻ visa hay master thì mức có thể lên đến 5%. Ví dụ, hóa đơn 1 triệu đồng, chúng tôi bị tính phí tới 50.000 đồng. Không thể bắt khách hàng phải trả phần phí này mà nhà hàng phải "gánh"", bà Trà nói.

Bà Trà cũng cho biết thêm, ngoài thuế khoán mà doanh nghiệp bà đang đóng, nếu thời gian tới bắt buộc khách hàng phải thanh toán bằng thẻ, cứ một đơn hàng 5 triệu đồng thì mất 5-10% thuế, cộng với phí cà thẻ thì doanh nghiệp chẳng còn gì là lời. Nếu tăng giá, khách không đến, quán bán cho ai?

Anh Nguyễn Hữu Thắng kinh doanh quán ăn ba miền (Q.1) cho hay: "Nhà hàng tôi đã dùng máy POS tính tiền cho khách từ vài năm nay. Tất nhiên, đó là theo yêu cầu của khách chứ mình không bắt buộc. Khách hàng là thượng đế, họ có quyền lựa chọn chứ mình không được ép buộc. Nếu làm khách cảm thấy không thoải mái thì họ sẽ không trở lại lần 2".

Còn chị Thanh Phương (nhân viên văn phòng, ngụ Q.10) cảm thấy rất phiền phức khi đi ăn uống phải… quẹt thẻ. Chị cho rằng mình thường đi ăn với bạn bè, cơ quan. Tuy nhiên, thường là hùn tiền hoặc cơ quan trả, nếu không có thẻ thì thanh toán thế nào? Hơn nữa, người ở quê lên không quen dùng thẻ ngân hàng thì không thể được ăn nhà hàng hay sao?

Thực tế, nhu cầu mua sắm tiêu dùng trên thiết bị di động những năm gần đây gia tăng mạnh mẽ và thanh toán "không dùng tiền mặt" được dự báo sẽ là một phương thức thanh toán phổ biến nhất trong tương lai. Tại Việt Nam, Zalo Pay, Mservice, Payoo và nhiều công ty đã áp dụng thanh toán di động. Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều ngân hàng cạnh tranh nhau tung ra khuyến mãi giảm giá ở hàng chục nhãn hàng từ thời trang, ăn uống đến liên kết với website mua sắm trực tuyến với mức giảm giá phổ biến từ 15 – 25%.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng dùng thẻ thanh toán vì thói quen trả tiền mặt; hơn nữa không phải ai cũng đủ điều kiện để làm thẻ, đặc biệt là thẻ visa. Chưa kể, nếu khách hàng dùng thẻ nội địa, có ngân hàng tính phí khoảng 2% tổng số tiền thanh toán; nếu dùng thẻ Visa hoặc Master, có khi bị trừ 5%; thậm chí, nhiều trường hợp còn bị thu thêm 10% thuế VAT khi thanh toán bằng thẻ…

Theo TS.Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, chỉ nên khuyến khích chứ không thể bắt buộc vì người tiêu dùng có quyền trả bằng tiền mặt. Để khuyến khích người dùng thẻ thanh toán thì cần phải thực hiện đồng bộ nhiều dịch vụ để giảm nhu cầu sử dụng tiền mặt, làm sao chỉ cần đem thẻ là có thể thanh toán tất cả các khoản chi tiêu trong ngày, bỏ hẳn việc đem theo tiền mặt.

"Thực tế hiện nay, nơi chấp nhận thanh toán thẻ, nơi không nên vẫn còn nhiều bất tiện. Bên cạnh đó, công nghệ bảo mật đảm bảo thì cơ chế xử lý vấn đề khi xảy ra sự cố liên quan đến thanh toán thẻ (như khách hàng bị mất tiền,…) cần phải được quy định, thực hiện rõ ràng thì người dân mới có niềm tin, yên tâm sử dụng thẻ để giao dịch, thanh toán", TS. Ánh nêu ý kiến.

Còn chuyên gia thị trường Hồ Minh Chính cho rằng, cần có lộ trình cụ thể và tiêu chí chọn lựa phù hợp. Cụ thể, ở dịch vụ ăn uống, nhà hàng thì chỉ khoảng 30% đối tượng phù hợp để thí điểm thanh toán bằng thẻ, căn cứ vào quy mô hoạt động, hình thức kinh doanh, doanh số… chứ không thể áp dụng đại trà. Bởi, đối tượng khách vào nhà hàng sang trọng mới dùng thẻ nhiều, không nhiều khách bình dân sử dụng thẻ.

"Với thí điểm thanh toán bằng thẻ như trên, cơ quan thuế chỉ có thể kiểm soát được khoảng 30% việc kê khai thuế, xuất hóa đơn… vì còn tùy thuộc vào tính tự giác của người tiêu dùng và các đơn vị kinh doanh. Họ không xài máy thanh toán thẻ POS, không thanh toán thẻ thì cũng không thể ép họ được. Ngay cả việc hạ ngưỡng quy định không sử dụng tiền mặt, "hóa đơn kèm xổ số" cũng không phải là biện pháp hiệu quả để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng", ông Chính phân tích.

Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, vấn đề cần xem xét, giải quyết là khi thanh toán bằng thẻ, khách phải trả thêm phí. 

"Chúng tôi đang bàn với các hệ thống ngân hàng và phối hợp với các cơ quan khác để tính toán đến việc giảm bớt khoản phí này để khuyến khích người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ. Từ đây, cơ quan thuế có thể kiểm soát được việc công khai, minh bạch dòng tiền và tránh thất thu thuế vì có hệ thống máy chủ, cơ sở dữ liệu tập trung, có vi phạm sẽ dễ dàng truy được và xử lý", ông Nam nói.

Tin mới lên