Á quân lợi nhuận ngân hàng 2018: Khó đoán!

Kình Dương - 06/08/2018 16:10
(VNF) – Nhiều yếu tố bất định đang bủa vây cả 4 ứng viên á quân lợi nhuận ngân hàng 2018…
1
Lợi nhuận nửa sau 2018 của cả 4 ứng viên á quân đều bủa vây bởi các yếu tố bất định

Ngôi quán quân lợi nhuận ngân hàng năm 2018 xem như đã rõ chủ nhân. Mới nửa đầu năm 2018, Vietcombank đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế tới 8.016 tỷ đồng, gấp rưỡi á quân VietinBank (5.265 tỷ đồng).

Tuy nhiên, ngôi á quân của VietinBank đang rất lung lay, bởi cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài.

Quý II/2018, ngân hàng này gây bất ngờ khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 2.237 tỷ đồng.

Mặc dù bế tắc trong tăng vốn khiến VietinBank bị “trói chân” bởi tỷ lệ an toàn vốn (CAR), làm hạn chế dư địa tăng trưởng tín dụng nhưng điều này có vẻ chỉ thực sự trở thành vấn đề trong khoảng 2 – 3 năm tới. 6 tháng đầu năm 2018, dư nợ tín dụng của VietinBank vẫn tăng tới 9,7%. Thu nhập lãi quý II/2018 (chủ yếu từ hoạt động tín dụng) cũng tăng khá, ở mức 11%.

Nguyên nhân khiến VietinBank “đi chậm lại” trong quý II/2018 đến từ chi phí trả lãi tiền gửi tăng tới 23,5% so với quý II/2017, khiến thu nhập lãi thuần của ngân hàng này giảm 1,54% xuống 7.206 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần là nguồn thu cốt lõi của mọi ngân hàng, hình thành từ 2 nghiệp vụ cơ bản là tín dụng (tạo ra hầu hết thu nhập lãi) và huy động vốn (hình thành hầu hết chi phí lãi).

Diễn biến chậm lại này nếu tiếp diễn trong 2 quý tới thì ngôi á quân có thể mất vào tay Techcombank hoặc VPBank.

Theo báo cáo thường niên 2017, VietinBank đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 10.800 tỷ đồng trong năm 2018. Tuy nhiên, tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 4, lãnh đạo ngân hàng này lại cho biết ngân hàng chưa có mục tiêu lợi nhuận cụ thể cho năm nay.

Trong khi đó, VPBank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.800 tỷ đồng, còn Techcombank đặt mục tiêu 10.000 tỷ đồng.

Khá đáng chú ý khi nửa đầu năm 2018, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế tới 5.196 tỷ đồng, chỉ kém VietinBank vỏn vẹn 69 tỷ đồng.

Nếu giữ được đà tăng 90% cho cả năm 2018, Techcombank sẽ đạt lợi nhuận trước thuế tới… 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng này khó lòng đạt được con số trên bởi mức tăng lợi nhuận tới 90% trong nửa đầu năm chủ yếu đến từ việc giảm mạnh trích lập dự phòng rủi ro.

6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro trên lợi nhuận thuần của Techcombank chỉ ở mức 16,7%, trong khi cùng kỳ năm ngoái lên đến 46,5%. Riêng quý II, con số này lần lượt là 7,7% và 44%.

Nếu không tính chi phí trích lập dự phòng, lợi nhuận thuần 6 tháng đầu năm 2018 của Techcombank chỉ tăng 22%; quý II/2018 chỉ tăng 13%.

Vì động lực tăng trưởng nửa đầu năm chủ yếu đến từ tác nhân mang tính đột biến (giảm mạnh trích lập dự phòng), ít đến từ hoạt động kinh doanh nên rất khó để dự đoán lợi nhuận nửa sau năm 2018 của Techcombank.

6 tháng cuối năm 2017, tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần của Techcombank khá thấp, chỉ 18,8%. Như vậy, nhiều khả năng lợi nhuận nửa sau năm 2018 sẽ tăng chậm lại đáng kể bởi không còn nhiều dư địa để giảm trích lập dự phòng

Với VPBank, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm nay ở mức 4.375 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu duy trì đà tăng này, VPBank có thể hoàn thành kế hoạch lãi 10.800 tỷ đồng đặt ra hồi đầu năm.

Tuy nhiên, kế hoạch này đang gặp thách thức khi đà tăng của FE Credit đang chậm lại. Tính chung từ đầu năm, dư nợ của “gà đẻ trứng vàng” này mới chỉ tăng 3%, đóng góp 36% lợi nhuận hợp nhất, trong khi trước đây góp tới hơn nửa.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến “ông lớn” BIDV. Sau vài năm chấp nhận tăng trưởng lợi nhuận thấp để lấy tiền bù đắp nợ xấu, 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này bất ngờ tăng tới 36%, đạt 5.036 tỷ đồng, không thua kém là bao so với VietinBank và Techcombank, cao hơn VPBank. Do đó, BIDV hoàn toàn có thể là ứng viên á quân lợi nhuận ngân hàng năm 2018.

Quảng cáo