Bất động sản

7 doanh nghiệp ngành xây dựng nào báo lỗ trong năm qua?

(VNF) – Trong số 111 doanh nghiệp ngành xây dựng đang niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2016, có 104 doanh nghiệp báo lãi (65 đơn vị có lãi tăng trưởng so với năm 2015), chỉ có 7 doanh nghiệp báo lỗ gồm: PVV, L44, SDH, BHT, DLR, MEC và VE1.

7 doanh nghiệp ngành xây dựng nào báo lỗ trong năm qua?

Đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 7 doanh nghiệp ngành xây dựng báo lỗ trong năm 2016

Theo thống kê, trong năm 2016, tổng lợi nhuận ngành xây dựng niêm yếu đạt gần 7.930 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2015. Trong số 65 doanh nghiệp có lãi tăng trưởng so với năm 2015, có những đơn vị lãi rất mạnh. Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà đất Cotec (HOSE: CLG) lãi tăng trưởng 1.802%; Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển - Xây dựng số 2 (HNX: DC2) lãi tăng trưởng 950%. 

Con số này ở Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hoà Bình (HOSE: HBC) là 585%, ở Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) là 471% vv…

Đặc biệt, đây cũng là năm đầu tiên ngành xây dựng ghi nhận 2 đơn vị có lãi trên nghìn tỷ đồng là Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) và Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (HOSE: REE).

Tuy nhiên, trong bức tranh nhìn chung tươi sáng, vẫn có 7 doanh nghiệp xây dựng báo lỗ với tổng số lỗ vào khoảng 114 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC (HNX: PVV) là đơn vị đội sổ top 7 này với số lỗ 37 tỷ đồng. Đây cũng là một năm nhiều "đen đủi" với PVV khi liên tiếp dính nạn, từ việc bị Cục thuế Thành phố Hà Nội sờ gáy vì vi phạm thuế đến việc Chủ tịch HĐQT Trương Quốc Dũng bị tạm giam do liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016, trong năm qua, doanh thu thuần của PVV chỉ đạt 179 tỷ đồng, giảm 247 tỷ đồng so với năm 2015, tương đương mức giảm 58% - mức thấp nhất từ năm 2010 đến nay. 

Doanh thu sụt giảm nặng nề mà các chi phí khác vẫn duy trì ở mức cao (chi phí tài chính 32 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 21 tỷ đồng, chi phí khác 9 tỷ đồng) khiến cho lợi nhuận sau thuế năm 2016 của công ty rơi từ mức 4 tỷ đồng (năm 2015) xuống âm 37 tỷ đồng.

7 doanh nghiệp ngành xây dựng nào báo lỗ trong năm qua? ảnh 1

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC báo lỗ 37 tỷ đồng trong năm 2016

Xét về tài sản, trong năm qua, tổng tài sản của PVV chỉ tăng thêm 9 tỷ đồng, đạt 1.287 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm 90 tỷ đồng, đạt 796 tỷ đồng; tài sản dài hạn tăng thêm 100 tỷ đồng, đạt 581 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong khi tổng nợ phải trả của PVV tăng thêm 55 tỷ đồng, đạt 1.122 tỷ đồng, thì vốn chủ sở hữu lại giảm 45 tỷ đồng, chỉ còn 165 tỷ đồng. Điều này khiến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của PVV đã tăng từ 5,08 (năm 2015) lên 6,8 lần trong năm 2016.

Nối gót thua lỗ của PVV, trong năm qua, Công ty Cổ phần Lilama 45.4 (HNX: L44) cũng báo lỗ 26 tỷ đồng. 

Dù doanh thu thuần đạt 158 tỷ đồng, tăng thêm 12 tỷ đồng so với năm trước, song do giá vốn bán hàng đạt 167 tỷ, tăng thêm 49 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của L44 năm 2016 vẫn âm 9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc các khoản chi phí như chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tiếp tục duy trì ở mức cao, lần lượt là 12 tỷ đồng và 13 tỷ đồng, đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của L44 âm 34 tỷ đồng. Các khoản thu khác không đủ bù đắp nên kết quả lợi nhuận sau thuế vẫn lỗ 26 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2016, tổng tài sản của L44 đạt 326 tỷ đồng, giảm 41 tỷ đồng so với năm 2015. Trong đó tài sản dài hạn giảm hơn 6 tỷ đồng, đạt 12,8 tỷ đồng; tài sản ngắn hạn giảm 35 tỷ đồng, đạt 313 tỷ đồng. Nợ phải trả neo ở mức 293 tỷ đồng, giảm 15 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm 26 tỷ đồng, đạt 32 tỷ đồng.

7 doanh nghiệp ngành xây dựng nào báo lỗ trong năm qua? ảnh 2

Công ty Cổ phần Lilama 45.4 báo lỗ 26 tỷ đồng

Thê thảm hơn 2 doanh nghiệp trên, Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Sông Đà (HNX: SDH) tiếp tục nối dài chuỗi kinh doanh bết bát khi tiếp tục báo lỗ trong năm 2016. Đây đã là năm thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp này thua lỗ. Và nếu sau kiểm toán mà SDH vẫn giữ nguyên mức lỗ này thì chắc chắn sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Theo báo cáo, doanh thu thuần 2016 của SDH chỉ đạt 7 tỷ đồng, giảm 4 lần so với năm 2015. Dù lợi nhuận gộp đã thoát khỏi tình trạng âm như năm ngoái (đạt 386 triệu đồng) nhưng do các chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính vẫn duy trì ở mức rất cao (lần lượt là 15,8 tỷ đồng và 6,2 tỷ đồng) nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 21 tỷ đồng.

Cùng với việc gánh thêm các chi phí khác, lợi nhuận sau thuế của SDH xuống mức âm 22 tỷ đồng. So với năm 2015, con số này đã âm thêm 3 tỷ đồng. 
Tổng tài sản của SDH cũng tiếp tục suy giảm chỉ còn 512 tỷ đồng (giảm 23 tỷ đồng so với năm 2015). Đây cũng là mức giảm của vốn chủ sở hữu của công ty trong năm qua (đạt 165 tỷ đồng).

7 doanh nghiệp ngành xây dựng nào báo lỗ trong năm qua? ảnh 3

Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Sông Đà báo lỗ năm thứ 3 liên tiếp và đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bạch Đằng TMC (HNX: BHT) là cái tên tiếp theo góp mặt vào danh sách "thất tử thua lỗ" này. 

Trong năm qua, doanh thu thuần của BHT đạt 6,6 tỷ đồng, giảm 2,7 tỷ đồng so với năm 2015. Dù lãi gộp đạt 1,2 tỷ đồng song chi phí tài chính quá lớn (2.474 tỷ đồng) chi phí quản lý doanh nghiệp tiếp tục duy trì ở mức cao (4.266 tỷ đồng) nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BHT âm 5,5 tỷ đồng. 

Thêm vào đó, BHT lại chịu thêm 4,7 tỷ đồng đến từ các chi phí khác, tất cả khiến cho lợi nhuận trước thuế của đơn vị này âm 10 tỷ đồng, lỗ hơn 2 lần so với năm 2015. Kết thúc năm tài chính 2016, tổng tài sản của BHT cũng giảm gần 19 tỷ đồng, đạt mức 186 tỷ đồng.

Ba đơn vị còn lại gồm Công ty Cổ phần Địa ốc Đà Lạt (HNX: DLR), Công ty Cổ phần Xây dựng điện VNECO 1 (HNX: VE1) và Công ty Cổ phần Cơ khí –lắp máy Sông Đà (HNX: MEC) cũng chung 1 kịch bản thua lỗ như nhau. Đó là sự suy giảm mạnh của doanh thu thuần và sự tăng cao giá vốn bán hàng dẫn đến lợi nhuận gộp âm hoặc đạt giá trị thấp. Các loại chi phí (bán hàng, quản lý doanh nghiệp, tài chính) tiếp tục được duy trì ở mức cao dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm nặng, từ đó kéo theo lợi nhuận sau thuế xuống mức âm.

Cụ thể, với DLR, doanh thu thuần năm 2016 giảm hơn 2 lần (đạt 56,7 tỷ đồng), lợi nhuận gộp giảm hơn 3 lần (đạt 2,5 tỷ đồng) so với năm 2015. Các loại chi phí duy trì ở mức cao khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 8,7 tỷ đồng - lỗ hơn 6 lần so với năm trước.

7 doanh nghiệp ngành xây dựng nào báo lỗ trong năm qua? ảnh 4

Công ty Cổ phần Địa ốc Đà Lạt có một năm bết bát với khoản lỗ 8,7 tỷ đồng

Với VE1, doanh thu thuần năm 2016 giảm 3 lần (đạt 15 tỷ đồng), lợi nhuận gộp âm 1,67 tỷ đồng. Các loại chi phí luôn duy trì trên mức 3 tỷ đồng khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 4,7 tỷ đồng. Dù có thêm 587 triệu từ từ nguồn thu khác, song khoản lợi nhuận có được là quá ít ỏi để bù cho mức lỗ nên kết quả lợi nhuận sau thuế của VE1 âm 4,2 tỷ đồng, giảm gần 8 tỷ đồng so với năm 2015, tương đương mức giảm 213%.

Còn với trường hợp của MEC, dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1,2 tỷ đồng, song do phải gánh chịu khoản thuế bị phạt, bị truy thu lên tới 5,4 tỷ đồng, lãi nộp chậm bảo hiểm xã hội 2,6 tỷ đồng và các khoản phạt khác gần 1 tỷ đồng nên chung quy công ty vẫn phải chịu khoản lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng. 

Tin mới lên