Ngân hàng

3 lý do HDBank sáp nhập PGBank

(VNF) – Đề án sáp nhập PGBank vào HDBank nêu ra 3 lý do của việc sáp nhập…

3 lý do HDBank sáp nhập PGBank

1 cổ phiếu PGBank sẽ hoán đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) vừa chính thức trình kế hoạch sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) lên đại hội đồng cổ đông.

Đề án sáp nhập PGBank vào HDBank đưa ra 3 lý do của việc sáp nhập. Thứ nhất, quy mô vốn nhỏ là một thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của nhóm khách hàng mục tiêu của PGBank.

Theo Đề án, PGBank tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười với số vốn điều lệ ban đầu là 90 tỷ đồng, tăng lên 3.000 tỷ đồng như hiện nay.

Ngay từ khi thành lập, với sự hỗ trợ của đội ngũ tư vấn nước ngoài, PGBank đã xác định chiến lược phát triển tập trung thực hiện vai trò cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex và các đơn vị liên quan, phát triển dịch vụ tài chính cá nhân thông qua mạng lưới cây xăng của Petrolimex - là những lĩnh vực mà PGBank có lợi thế cạnh tranh, nhằm tạo sự khác biệt hóa và ưu thế nổi trội trong hoạt động.

Tuy nhiên, với quy mô nhỏ, mạng lưới hoạt động còn mỏng khiến PGBank gặp không ít khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho Petrolimex, công ty thành viên và các đơn vị liên quan. Điều này dẫn đến sự cần thiết của việc gia tăng quy mô để thực hiện tốt chiến lược kinh doanh ban đầu.

Thực tế, PGBank đã thực hiện 5 lần tăng vốn từ năm 2006 đến nay, một phần do nhu cầu nói trên, phần khác do thực hiện theo đúng lộ trình tăng vốn điều lệ quy định tại Nghị định số 141/2006/NĐ-CP và Nghị định số 10/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, áp lực tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2011 đã dẫn đến sự tăng trưởng nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro của PGBank trong giai đoạn trước đây.Trong giai đoạn 2007-2010, xét theo số liệu bình quân, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của PGBank đạt 113%, tốc độ tăng trưởng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 100%, tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu đạt 87%. Áp lực tăng trưởng nóng trong thời gian ngắn cùng với những khó khăn của nền kinh tế đã làm gia tăng rủi ro đối với hoạt động của PGBank.

Thứ hai, sáp nhập là phương án khả thi và hiệu quả khi cổ đông lớn của PGBank là Petrolimex phải xây dựng lộ trình cụ thể để giảm tỷ lệ sở hữu của Petrolimex tại PGBank theo chủ trương của Chính phủ.

Đề án nêu rõ, hiện nay, Petrolimex là cổ đông lớn của PGBank với tỷ lệ sở hữu 40% vốn điều lệ. Căn cứ theo Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1117/QĐ-TTg, Nghị quyết số 15/NQ-CP, Petrolimex phải thực hiện thoái vốn ngoài ngành theo đúng chủ trương của Chính phủ về việc thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành chính, tập trung vào các ngành nghề theo chiến lược ban đầu.

Trên cơ sở đó, Petrolimex có thể bảo toàn, thu hồi và sử dụng hiệu quả phần vốn của Nhà nước trong giai đoạn kinh tế khó khăn, tập trung hơn cho các hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực xăng dầu.

Thứ ba, việc sáp nhập là một trong những nội dung được Chính phủ khuyến khích thực hiện trong công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016-2020, đặc biệt sau khi các ngân hàng trước đây tham gia sáp nhập đã bắt đầu kinh doanh có lãi.

Đề án nhấn mạnh, việc tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng đang là một trong những chủ trương của Chính phủ và NHNN nhằm mục đích tái cơ cấu và ổn định nền kinh tế và hệ thống ngân hàng theo hướng an toàn và bền vững.

Theo Quyết định số 1058/QĐ-Ttg về Phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020" được Thủ tướng phê duyệt ngày 19/07/2017 nhấn mạnh việc mua bán sáp nhập, hợp nhất (M&A) ngân hàng là một trong những nội dung được Chính phủ khuyến khích thực hiện.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thúc đẩy và tạo điều kiện việc các tổ chức tín dụng lành mạnh thực hiện việc mua bán, sáp nhập trên cơ sở tự nguyện để trở thành các định chế tài chính có quy mô lớn và quản trị tốt hơn. Do đó, thực hiện sáp nhập một ngân hàng phù hợp về chiến lược và lợi thế là phương án tối ưu giúp HDBank đạt được các mục tiêu tăng trưởng về chất lượng và quy mô một cách nhanh chóng, hiệu quả và bền vững.

Tin mới lên